Ngành du lịch đề xuất đơn vị chuyên trách xin lỗi

TP - Tiền quảng bá du lịch hàng triệu USD vẫn coi là ít, bản thân quan chức ngành cũng bị chặt chém là thông tin Tổng cục phó Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Mạnh Cường nói với Tiền Phong. Hiện, ngành du lịch đang đề xuất đơn vị phụ trách việc xin lỗi du khách khi gặp chuyện thất thố.

> Phải xử lý nghiêm du lịch “chặt chém”
> Rầm rộ thanh tra vẫn trấn lột tiền khách

Chả lẽ xin lỗi du khách mãi

Việt Nam mất nhiều tiền quảng bá du lịch qua các kênh truyền hình lớn như CNN, BBC và cả trên taxi tại Anh..., nhưng ngay giữa Thủ đô lại có hình ảnh không đẹp, thưa ông?

Mỗi năm nhà nước bỏ ra 1-2 triệu USD để quảng bá, nhưng nước láng giềng như: Thái Lan, Miến Điện mỗi năm họ bỏ ra hàng trăm triệu USD (để quảng bá).

So với nhiều ngành thì số tiền nhà nước bỏ ra lớn, nhưng so với ngành du lịch quốc tế lại quá nhỏ. Quảng bá du lịch khác với quảng bá thương mại. Mất ít nhất 1 năm mới hình thành sản phẩm sau đó kết nối, bán tour. Nhiều địa phương, cơ quan chức năng không hiểu được điều này.

Rõ ràng chúng ta cố gắng rất nhiều trong phát triển du lịch. Phải đánh giá một số địa phương ra quân như Đà Nẵng, Vũng Tàu, TPHCM kể cả Hà Nội làm rất quyết liệt tình trạng “chặt chém”.

Mặc dù như vậy, chỉ cần một biểu hiện xấu thì tất cả bị xóa nhòa. Con sâu làm rầu nồi canh. Chúng ta bị “đen” trong mắt du khách nước ngoài. Đáng nói hơn là họ lấy cái này như một dẫn chứng điển hình dù nó rất bé nhỏ. Chúng ta đang làm hết sức mình, nhưng không thể tuyệt đối.

Khách du lịch quốc tế bị người bán dạo trên phố Hà Nội chèo kéo mua hàng. Anh: Ngọc Chân.

Vừa qua, TCDL đã trực tiếp xin lỗi du khách ngoại, nhưng chả lẽ cứ xin lỗi người ta mãi mà không có biện pháp cải thiện? Rồi bao nhiêu du khách nội địa bị chặt chém, gây khó dễ nữa có đáng được ngành du lịch xin lỗi không?

Cách đây 2 năm, trong phiên chất vấn của Quốc hội, Tổng cục kiến nghị nên có cảnh sát du lịch. Trong sự phát triển du lịch, mỗi quốc gia cần có lực lượng này để giúp đảm bảo an ninh an toàn cho khách, tạo môi trường thân thiện cho khách.

Ông Nguyễn Mạnh Cường

Đối với khách quốc tế đến Việt Nam, nếu xảy ra tình huống gì làm xấu hình ảnh Việt Nam thì không chỉ có cơ quan nhà nước, công dân Việt Nam cũng cảm thấy xấu hổ và có quyền được xin lỗi bạn bè thế giới. Nhưng chúng ta mong muốn đừng xin lỗi mãi. Tới đây, chúng ta phải đề xuất việc ai xin lỗi mới là quan trọng. Với quốc gia về hình ảnh du lịch thì ngành du lịch xin lỗi đúng. Nhưng sau xin lỗi, trách nhiệm, phân công quản lý rất rõ.

Du lịch không phải là ngành đảm bảo trật tự an ninh, không quản lý phương tiện vận tải, địa bàn mà giao cho các bộ ngành rất cụ thể. Cần có giao quyền trách nhiệm chi tiết cụ thể tại địa phương. Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích địa phương làm du lịch tốt, chúng tôi đang đề nghị khen thưởng địa phương đảm bảo an ninh, an toàn cho khách. Ngược lại sẽ phê bình những địa phương chưa làm tốt.

Đối với khách nội địa, trong Luật Du lịch quy định có quyền khiếu nại. TCDL sẽ làm việc hết mình với cơ quan chức năng việc xâm phạm quyền du lịch của khách trong nước và quốc tế.

Chúng ta không chỉ lo quốc tế rồi quên người dân trong nước. Trách nhiệm quốc gia ứng xử mang tính ngoại giao, kịp thời ráo riết hơn. Với công dân mình, có thể không ngoại giao, nhưng phải có trách nhiệm về chính sách, pháp luật.

Bất lực với chặt chém Nếu ông đi du lịch mà bị “chặt chém” thì sao nhỉ?

Chuyện “chặt chém” không phải hiếm. Tôi từng công tác bao nhiêu năm trong ngành du lịch, nhưng vẫn bị lừa. Ngay taxi đã có hàng trăm hãng taxi gắn chíp lừa đảo.

Tôi biết, nhưng không có cách nào ngăn chặn. Mình người trong cuộc còn phải chấp nhận. Việc này đâu phải là bí mật. Các cấp, các ngành, hiệp hội vận tải, hiệp hội taxi đều biết. Hiện chúng ta phải làm thế nào để thắt lại lỗ hổng, để không bị lợi dụng, lừa đảo.

Ở quốc gia nào cũng có lừa gạt. Tôi vừa sang Ý. Mặc dù tôi là khách cao cấp của quốc gia, nhưng vẫn được khuyên cẩn thận kẻo bị giật ví giật tiền vì bên này trộm cắp nhiều lắm.

Ở Việt Nam có những thành phố làm du lịch tốt như: Hội An, Đà Nẵng..., nhưng ngay tại Thủ đô có vẻ tệ?

Hội An là phố cổ, trước đây là thị xã bây giờ là thành phố nhưng phạm vi hẹp. Người dân tại đây ổn định, nhiều thế hệ gắn liền cuộc sống ở đấy. Hội An cũng là một điển hình trong việc giáo dục cộng đồng về việc bảo vệ môi trường, an ninh trật tự và có nhiều chính sách của chính quyền.

Ở Đà Nẵng cũng quyết liệt trong hạn chế tình trạng “chặt chém” như đề ra 3 không, 5 không và thái độ của chính quyền rõ ràng. Còn Hà Nội là thành phố lớn với lưu lượng 7- 8 triệu người. Nó đang quá tải trong thể chế, bộ máy.

Cảm ơn ông!

NGỌC MAI
Thực hiện

Theo Báo giấy