Ngang nhiên trồng hàng trăm cây lâu năm xâm phạm đê sông Đáy

TPO - Hàng trăm câu lâu năm được một người dân trồng trên cơ đê sông Đáy tại địa phận xã Khánh Thiện và Khánh Tiên (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình). Lực lượng chức năng đã lập biên bản, yêu cầu trả lại nguyên trạng nhưng vi phạm vẫn chưa được khắc phục...

Tình trạng vi phạm đê điều như lập bến bãi, xây dựng công trình trái phép trong hành lang bảo vệ đê điều đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương thời gian qua. Tại Ninh Bình, theo khảo sát thực tế của phóng viên, khu vực đê sông Đáy (đê cấp II) cũng đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Dù tình trạng mưa lũ đang diễn ra hết sức phức tạp, tại khu vực xã Khánh Thiện và Khánh Tiên (huyện Yên Khánh) bị người dân tự ý trồng hai hàng cây dọc hai chân đê.

Khoảng 300m dọc hai triển đê bị đào và trồng cây lâu năm chủ yếu là cây phượng, cây bằng lăng (chiều cao khoảng 3-4 mét). Việc trồng cây lâu năm cạnh đê khiến rễ cây ăn vào thân đê, gây hỏng đê nên đây là hành vi bị cấm.

Ông Đỗ Hồng Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện cho biết, ngày 23, 24/10 vừa qua, khi người dân có phản ánh, UBND xã đã phối hợp với Hạt Quản lý Đê điều Yên Khánh (Chi Cục Thủy lợi Ninh Bình) lập hai biên bản đối với các hành vi trồng cây, nạo vét xâm phạm đê điều. Người vi phạm được xác định là ông Đỗ Thành Tâm (là người địa phương), có ra làm việc với đoàn nhưng không ký vào biên bản. 
“Thẩm quyền của UBND xã chỉ xử phạt tối đa là 5 triệu đồng. Với mức này đối với họ không là gì. Người này (vi phạm) có quan hệ nên rất khó xử lý”, ông Dũng nói

Đại diện Hạt Quản lý Đê Điều Yên Khánh cũng cho biết, đã có 86 cây được trồng trên cơ đê (dọc hai triền đê sông Đáy đoạn giáp gianh hai xã Khánh Thiện và Khánh Tiên). Sau khi lập biên bản đoàn đã yêu cầu người vi phạm khắc phục trả lại hiện trạng. Theo quy định thời gian là 3 ngày kể từ thời điểm lập biên bản nhưng đến nay chưa được xử lý. Hạt đã báo cáo Chi cục Thủy lợi Ninh Bình để có phương án xử lý.

 
Các lãnh đạo ở đây còn cho biết, người vi phạm trồng cây trên đê còn đang dựng nhà khung sắt trái phép và nạo vét, đào đất khu vực ngoài đê. Hiện tại, khu vực này đang hình thành các cảnh quan giống như một khu du lịch sinh thái.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản, nhưng hiện nay những vi phạm này vẫn chưa được khắc phục.

Hành vi phá hoại đê điều là hành vi bị cấm tại Điều 7 Luật Đê điều và người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hành chính. Điều 20 Nghị định 104/2017/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 01/11/2017) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều thì phá hoại đê điều bị xử phạt như sau: “Điểm đ Khoản 2: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi gieo trồng các loại cây hoa màu, cây lâu năm trên đê; trồng cây lâu năm trong hành lang bảo vệ đê. Điểm c Khoản 4: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi đào ao, giếng trong phạm vi bảo vệ đê điều”. Điểm d Khoản 2 Điều 17 về vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi trồng cây lâu năm, nghiên cứu khoa học trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Nghị định cũng quy định phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định

    Video hàng cây trồng trái phép trên đê sông Đáy: