Với kỳ hạn dưới 6 tháng, mức lãi suất dao động từ 5,5 đến 8,1%/năm; từ 1 năm trở lên, lãi suất phổ biến quanh mức 7-8%/năm. VPBank có mức 7,05%/năm, MBBank là 7,2%/năm... VIB huy động lãi suất cao nhất là 7,9%/năm kỳ hạn 18 tháng, với điều kiện số tiền gửi từ 100 triệu đồng và bằng hình thức tiết kiệm trực tuyến. Trong khi đó, nhóm ngân hàng, chi nhánh ngân hàng có vốn nhà nước chi phối tại TPHCM, mức lãi suất niêm yết ở mức tối đa là 5,5%/năm.
Ngoài tăng lãi suất, ngân hàng còn tặng quà khá hấp dẫn. Tại Eximbank, khách hàng gửi từ 400 triệu đồng kỳ hạn 6-9 tháng, hoặc 200 triệu đồng kỳ hạn 12 tháng sẽ được nhận ấm đun nước thương hiệu Mỹ; khách hàng từ 50 tuổi khi gửi tiền các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng sẽ được cộng thêm lãi suất 0,1%/năm. Từ nay đến hết 28/2, Sacombank có chương trình “Xuân tri ân - Tết đắc lộc” với tổng trị giá hơn 34 tỷ đồng.
Đồng thời, trong suốt tháng Giêng, khách hàng gửi tiết kiệm tại Sacombank sẽ được nhận lì xì 68.000 đồng, hoặc nhận ngay 1 chỉ vàng Thần tài SBJ khi gửi tiết kiệm 1,5 tỷ đồng. BIDV có chương trình “Hành trình Tết yêu thương” được áp dụng đến hết ngày 28/2 dành cho khách hàng sử dụng các dịch vụ, bao gồm tiền gửi có kỳ hạn, nhận tiền kiều hối, BIDV SmartBanking, thẻ, tiền gửi online…
Theo các chuyên gia kinh tế, thông thường đầu năm, người dân có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm cao vì trước và trong tết có nguồn thu nhập khá dồi dào. Việc các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động là để kéo khách, thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong cộng đồng. Một số ngân hàng có nhu cầu huy động vốn ở kỳ hạn dài nhằm cơ cấu lại nguồn tiền gửi, đáp ứng tiêu chí an toàn vốn theo quy định.
Tuy nhiên, theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng không nhất thiết tập trung vào các dịp lễ, tết đầu năm hay cuối năm để tăng lãi suất. Bởi việc cạnh tranh huy động, tăng thanh khoản luôn là mục tiêu hàng đầu của các ngân hàng ở mọi thời điểm.
TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, việc các ngân hàng đua nhau khuyến mãi, tặng quà cho khách hàng gửi tiết kiệm nhân dịp lễ, tết nhằm hút tiền nhàn rỗi, tăng thanh khoản là để đón đầu “cầu” tín dụng trong các quý tới.
Về mặt bằng lãi suất trong năm nay, TS Tín nhận định: “Năm 2019, áp lực về lãi suất sẽ rất lớn. Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% cũng khá nặng nề. Khi lạm phát tăng, tỷ giá tăng sẽ là áp lực khiến lãi suất huy động rất khó giảm so với năm 2018”.