Nga - Thổ Nhĩ Kỳ bàn về Syria, Đức muốn góp vai

TP - Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua gặp nhau bên bờ Biển Đỏ đề bàn về tình hình Syria, chỉ vài giờ trước khi thỏa thuận ngừng bắn giữa lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd hết hạn. 
Chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào lực lượng dân quân do người Kurd đứng đầuảnh: Reuters

Cuộc nói chuyện của hai nhà lãnh đạo tập trung về “bình thường hóa tình hình hình” ở đông bắc Syria, điện Kremlin thông báo. 

Trước khi lên đường sang Sochi gặp nhà lãnh đạo Nga, ông Erdogan tuyên bố sẽ khôi phục chiến dịch tấn công quân sự ở Syria “với quyết tâm lớn hơn” nếu lực lượng người Kurd không rút lui theo thỏa thuận do Mỹ làm trung gian. 

Thổ Nhĩ Kỳ muốn tất cả lực lượng YPG của người Kurd rời khỏi “vùng an toàn” mà Ankara lập ra dọc biên giới với Syria. Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là khủng bố, có quan hệ với các thành phần người Kurd nổi dậy ở miền nam nước này. 

Ông Redur Khalil, một quan chức cấp cao của lực lượng SDF do YPG dẫn dắt, hôm qua nói với hãng tin AP rằng lực lượng của họ đang chuẩn bị rút khỏi dải đất dài 120km nằm giữa hai thị trấn Ras al-Ain và Tal Abyad.  Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nói trong một tuyên bố rằng họ đã ghi nhận ít nhất 125 xe quân sự chở các tay súng rời khỏi “vùng an toàn”. 

Sau khi YPG rút, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xúc tiến giai đoạn một của kế hoạch lập “vùng an toàn” dài tới 444km, một nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ với báo chí. Cuộc gặp của lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng vai trò chủ chốt trong kế hoạch của Ankara nhằm mở rộng vùng an toàn, nguồn tin cho biết. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức hôm qua lên tiếng đề nghị lập nên một vùng an ninh ở miền bắc Syria để bảo vệ những thường dân phải bỏ nhà đi và bảo đảm cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) được tiếp tục. Đây cũng là lần đầu tiên Berlin đề xuất cử quân đến Trung Đông. 

Bà Annegret Kramp-Karrenbauer, người được Thủ tướng Angela Merkel ủng hộ làm người kế nhiệm, cho biết bà sẽ thảo luận sáng kiến đó với các đối tác NATO trong tuần này và không loại trừ khả năng sẽ điều binh lính Đức đến Syria. Vấn đề này sẽ do quốc hội Đức quyết định, Reuters đưa tin.

Khi hai tổng thống Putin và Erdogan gặp nhau tại Sochi, bà Kramp-Karrenbauer nói rằng sáng kiến của bà sẽ cần sự tham gia của các nước đó. “Chúng ta không thể chỉ đứng nhìn mà không làm gì cả”, bà Kramp-Karrenbauer, lãnh đạo liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), nói trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Đức ZDF ngày 21/10.

“Đề xuất của tôi là chúng ta lập ra một vùng an toàn chịu sự kiểm soát của quốc tế và có liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ và Nga”, bà nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho rằng cách làm này sẽ giúp ổn định tình hình khu vực, cho phép thường dân ổn định lại cuộc sống và người tị nạn tự nguyện trở về. 

Đề xuất của bà Kramp-Karrenbauer là khác biệt với chính sách mà Đức theo đuổi trong suốt 2 thập kỷ qua. Dù dần dần tham gia nhiều hơn vào các sứ mệnh ở nước ngoài, Đức vẫn lưỡng lự can dự vào các khu vực, đặc biệt là Trung Đông, do vấn đề di sản từ Thế chiến 2.