Nga nổ súng bắt 3 tàu chiến Ukraine: Ai hưởng lợi?

Điều có thể chắc chắn được là chuyện xảy ra như thế đều có lợi cho ông Poroshenko ở Ukraine và ông Putin ở Nga về đối nội cũng như đối ngoại. Xung đột vũ trang sẽ thu hút sự quan tâm theo dõi cũng như lo ngại chung của dân chúng ở hai nước và giúp cho cả hai người này đều bớt khó về đối nội.
Hình ảnh tàu chiến hai bên “vờn” nhau hôm 25/11

Ngày 25/11, hải quân Nga đã nổ súng, bắt giữ và khám xét ba tàu chiến của Ukraina tại eo biển Kertch, vùng biển Azov. Trong vụ này, một số thủy thủ Ukraina bị thương. Theo Matxcơva, các tàu chiến Ukraina đã thâm nhập trái phép vùng biển của Nga. Cuộc đụng độ giữa hải quân Nga và hải quân Ukraine tại Eo biển Kerch sau đó chế ngự chính trường châu Âu, làm cho mối quan hệ giữa hai nước láng giềng của nhau này trở nên thêm thù địch, nhưng đồng thời còn tác động thêm tiêu cực tới mối quan hệ của Mỹ, EU và NATO với Nga.

Đây là lần đầu tiên xảy ra nổ súng trực tiếp giữa Nga và Ukraine, nhưng mối bất hoà giữa hai bên vốn đã có từ trước đó; và những dấu hiệu về việc mối bất hoà rồi sẽ diễn biến trở thành xung đột vũ trang cũng đã thấy xuất hiện mập mờ từ trước đó. 

Eo biển Kerch nối Biển Azov với Biển Đen. Biển Azov được bao quanh bởi lãnh thổ Nga và Ukraine. Năm 2003, khi mối quan hệ giữa hai nước láng giềng này vẫn còn thân thiện hữu hảo, Nga và Ukraine đã ký với nhau thoả thuận về quy chế pháp lý cho Biển Azov, coi nó là biển nội địa.

Theo quy định của LHQ, Công ước LHQ về luật Biển, thì biển nội địa không có nghĩa là biển riêng thuộc về bất cứ ai. Thoả thuận giữa Nga và Ukraine năm 2003 cho phép tàu thuyền, kể cả tàu chiến của hai bên tự do đi lại, đánh cá và hoạt động trên Biển Azov. 

Riêng tàu chiến của nước thứ ba muốn từ Biển Đen đi qua Eo biển Kerch vào Biển Azov thì phải xin phép cả hai bên. Khi ấy, Crimea do Ukraine quản lý và Eo biển Kerch trên thực tế phân chia ranh giới giữa Nga và Ukraine. Cũng vì thế mà ở khu vực Eo biển này, mỗi bên có lực lượng hoa tiêu và hải quan riêng. Nói theo cách khác, cả hai bên sử dụng chung eo biển.

 Eo biển Kerch

Rồi chính biến xảy ra ở Ukraine và mối quan hệ song phương này không chỉ xấu đi mà còn trở nên thù địch. Năm 2004, Nga tiếp nhận Crimea và xác định lại phạm vi lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế. Eo biển Kerch không còn được coi là biên giới giữa Nga và Ukraine nữa.

Việc Ukraine đi lại qua eo biển trở nên phức tạp và nhạy cảm hơn trước về chính trị, an ninh và cả pháp lý, ngày càng thêm khó khăn và bất lợi cho Ukraine. Phía Ukraine bắt giữ tàu đánh cá của Nga ở trên biển Azov và Nga cũng đã trả đũa. Nga dần kiểm soát hoàn toàn việc tàu thuyền qua lại Eo biển Kerch. 

Vụ việc mới rồi xảy ra khi có ba tàu chiến của Ukraine tìm cách đi từ Odessa của Ukraine qua eo biển này để đến một căn cứ hải quân của Ukraine ven bờ biển Azov. Mỗi bên có cách lý giải nguyên nhân và trình bày diễn biến vụ việc khác nhau.

Chỉ biết là rồi tàu chiến của Nga xua đuổi ba chiếc tàu chiến này của Ukraine, đâm chặn, nổ súng và cuối cùng bắt giữ. Có thuỷ thủ của Ukraine bị thương và bị bắt giữ, bị phía Nga truy tố trước toà án. Phía Ukraine tuyên bố tình trạng thiết quân luật ở nhiều nơi trên lãnh thổ Ukraine trong thời gian 30 ngày. 

Ba chiếc tàu bị Nga bắt giữ

HĐBA LHQ đã họp. Mỹ, EU và NATO tỏ thái độ gay gắt với Nga. Tổng thống Mỹ Donald Trump doạ sẽ huỷ cuộc gặp tổng thống Nga Vladimir Putin đã được dàn xếp bên lề hội nghị cấp cao sắp tới của nhóm G20 ở Argentina. Ukraine và Nga cáo buộc lẫn nhau chủ ý khiêu khích. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko còn kêu gọi Đức và NATO đưa quân đội đến Ukraine để cùng đối phó Nga. 

Vụ việc đúng là nghiêm trọng bởi lần đầu tiên xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp giữa Nga và Ukraine. Mối quan hệ song phương này càng thêm căng thẳng và thù địch thì toàn bộ vấn đề Ukraine càng thêm khó có thể sớm được giải quyết.

Câu hỏi về bên nào gây ra chuyện, chủ mưu khiêu khích để vụ việc xảy ra và diễn biến như vậy hiện được trả lời rất khác nhau tuỳ vào dựa theo lợi ích của Nga hay Ukraine và tuỳ theo tin Ukraine hay tin Nga.

Điều có thể chắc chắn được là chuyện xảy ra như thế đều có lợi cho ông Poroshenko ở Ukraine và ông Putin ở Nga về đối nội cũng như đối ngoại. Xung đột vũ trang sẽ thu hút sự quan tâm theo dõi cũng như lo ngại chung của dân chúng ở hai nước và giúp cho cả hai người này đều bớt khó về đối nội. 

Ông Poroshenko dùng nó để vớt vát cơ may tái cử trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào ngày 31/3/2019 ở Ukraine, làm vấn đề Ukraine thời sự trở lại và buộc các đồng minh và đối tác quan trọng nhất là Mỹ, EU và NATO phải thể hiện thái độ ủng hộ mình và chống Nga.

Ông Putin dùng việc này để biểu thị thế và lực, răn đe Ukraine và cảnh báo những đồng minh và đối tác của Ukraine. Cũng từ đó có thể thấy cả hai chỉ cần và chỉ có lợi khi để cho vụ việc xảy ra thôi nên sẽ không để cho gay cấn leo thang thêm.

Theo Theo Pháp luật Việt Nam