Nga lo Trung Quốc thành 'mãnh thú' nuốt Viễn Đông

Trung Quốc trỗi dậy đã gây ra cho người Nga những tâm lý trái ngược. Mối quan hệ Nga- Trung rất phức tạp. Nga chủ trương vừa hợp tác vừa đề phòng, vừa nhờ vả vừa nghi ngại. Đồng thời ở Nga cũng xuất hiện luận điệu “Trung Quốc đe doạ” và “Trung Quốc sụp đổ”.

Nga lo Trung Quốc thành 'mãnh thú' nuốt Viễn Đông

> Trung Quốc khó mua Su-35 ‘xịn’ của Nga

> TQ mua 4 tàu ngầm, 24 máy bay Nga? 

Trung Quốc trỗi dậy đã gây ra cho người Nga những tâm lý trái ngược. Mối quan hệ Nga- Trung rất phức tạp. Nga chủ trương vừa hợp tác vừa đề phòng, vừa nhờ vả vừa nghi ngại. Đồng thời ở Nga cũng xuất hiện luận điệu “Trung Quốc đe doạ” và “Trung Quốc sụp đổ”.

Tiến sĩ Ngô Đại Huy phó nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Nga-Đông Âu-Trung Á có bài trên tạp chí “Ngoại giao Trung Quốc”, phân tích kỹ thái độ của Nga đối với Trung Quốc. Dưới đây là phần lược trích:

Mối quan hệ Nga-Trung Quốc phát triển tốt kể từ năm 1992, khi hai nước coi nhau là quốc gia hữu hảo, năm 1994 xác lập quan hệ bạn bè có tính xây dựng, năm 1996 nâng lên quan hệ hợp tác chiến lược, năm 2001 ký “Hiệp ước hợp tác hữu hảo láng giềng” và năm 2004 nguyên thủ hai nước giải quyết lần cuối cùng vấn đề biên giới.

Liên minh Nga và Trung Quốc.
 

Nhưng đồng thời về phía Nga cũng xuất hiện những hoà âm trái tai. Cuối năm 2002, công ty dầu mỏ Trung Quốc buộc phải rút khỏi cuộc đấu thầu cổ phần công ty dầu mỏ Slav của Nga, năm 2004 Nga thay đổi tuyến đi của đường ống dẫn dầu Viễn Đông – hai việc này cho thấy phía Nga có cảm giác cực kỳ không an toàn về Trung Quốc. Gần đây, luận điệu “Trung Quốc đe doạ” thường xuyên xuất hiện ở_Nga. Trên tạp chí “Các vấn đề Viễn Đông” số 1. 2002, A. Jakovlev viết bài bình luận về quan điểm “Trung Quốc là kẻ thù số 1 của Nga” của A. Sharavin Giám đốc Viện Nghiên cứu phân tích chính trị quân sự Nga, được coi là “bộ óc thứ hai” của Tổng thống Putin. Báo “Sự thật Thanh niên cộng sản” (báo lớn nhất Nga) số ngày 21/8/2004 đăng ý kiến của A. Rempelj nhà chiêm tinh nổi tiếng nhất Viễn Đông “Trước năm 2040, vùng Primorje sẽ trở thành lãnh thổ Trung Quốc” …

Tóm lại thái độ của Nga đối với Trung Quốc trỗi dậy là vừa nhờ cậy vừa sợ hãi, vừa hợp tác vừa đề phòng.

I. Trung Quốc trong quá trình trỗi dậy là lực lượng Nga có thể nhờ cậy.

Nhìn chung, tầng lớp tinh hoa của Nga thống nhất 4 quan điểm cơ bản sau đây về tình hình quốc tế 20 năm đầu thế kỷ XXI :

- Mỹ vẫn là nước mạnh nhất thế giới; – Sau 20 năm đó, Trung Quốc sẽ trỗi dậy thành nước mạnh nhất thế giới; – Nga vẫn là một nước lớn ở thời kỳ đang phục hồi, song chỉ là nước lớn trong quá khứ, không phải trong tương lai; – Không nước nào có thể một mình ngăn nổi chủ nghĩa đơn phương của Mỹ.

Từ đó suy ra Nga trong 20 năm đầu thế kỷ 21 phải quan tâm Trung Quốc vì Trung Quốc có thể trở thành quốc gia quan trọng nhất để Nga dùng làm đối trọng với Mỹ. Giám đốc Viện Nghiên cứu chính trị Nga B. Mironov nhận định: “Chỉ Trung Quốc mới có thể đối chọi được với phương Tây do Mỹ đứng đầu.” Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada S. Rogov cho rằng: “Phát triển quan hệ với Trung Quốc và Ấn độ mới có thể tăng được vị thế của Nga trong quan hệ với phương Tây”.

Nga tin rằng trong 20 năm đầu thế kỷ XXI Trung Quốc sẽ là bạn bè chiến lược của Nga, không những vì Trung Quốc ngày càng mạnh mà còn vì : – Trung Quốc cần Nga hợp tác để đối phó với Mỹ; sức ép của Mỹ đối với Trung Quốc lớn hơn với Nga; – Sự trỗi dậy của Trung Quốc có tính chất hoà bình, Trung Quốc cần môi trường phát triển ổn định; ít nhất trong quá trình trỗi dậy Trung Quốc sẽ không áp dụng chiến lược bành trướng đối với Nga.

Tóm lại, ít nhất sau đây 20 năm sự hợp tác Nga-Trung Quốc vừa cần thiết lại vừa có khả năng; nó có tính chiến lược (vì xuất phát từ lợi ích lâu dài và toàn bộ) và tính nhờ vả (muốn nhờ Trung Quốc để đối chọi Mỹ). Giới tinh anh Nga cho rằng sự hợp tác Nga-Trung Quốc nhằm mục đích nhờ vả Trung Quốc chứ không ỷ lại Trung Quốc. D. Trenin Giám đốc Quỹ Carnegie Moscow nói: chiến lược đối với Trung Quốc “nhằm xây dựng mối quan hệ hữu hảo bình đẳng có lợi cho Nga chứ không làm Nga phụ thuộc vào Trung Quốc”.

Sự nhờ cậy chiến lược trong 20 năm tới chủ yếu tập trung trên 4 lĩnh vực:

1. Đề phòng Mỹ khống chế các tổ chức quốc tế mà nòng cốt là Liên Hợp Quốc (LHQ), tổ chức quốc tế quan trọng nhất; không thể để Mỹ chi phối việc cải cách LHQ; phải hợp tác với Trung Quốc trong các tổ chức toàn cầu khác trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, tiền tệ, thương mại.

2. Tăng cường hợp tác trong tiến trình xây dựng cục diện mới khu vực. Nga cho rằng xây dựng cục diện mới của mỗi một vùng đều là một phần của cục diện mới của thế giới. Trung Á, Trung Đông, bán đảo Triều Tiên đều đứng trước sự tổ hợp lại lực lượng, Trung Quốc hoặc Nga để không thể một mình ngăn được sự thâm nhập của phương Tây. Ngay cả một số nước SNG cũng đã có thay đổi chính trị, Nga không còn “sân sau” nữa.

3. Tránh để các cơ chế kiểm soát quân sự quốc tế bị Mỹ hoàn toàn chi phối. Mỹ đang giữ vị trí chủ đạo trong các cơ chế này. Nga và Trung Quốc đang hợp tác chặt chẽ tránh vũ khí hoá vũ trụ, lạm dụng vũ lực trên vấn đề cấm phổ biến vũ khí sát thương hàng loạt

4. Gửi hy vọng vào việc đáp con tàu nhanh của Trung Quốc. Trong 20 năm tới Nga phải tập trung phát triển quốc lực, muốn vậy phải khai thác thị trường Trung Quốc. Nga muốn gắn sự phát triển miền Đông với sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc; đến năm 2010, chậm nhất 2015, buôn bán Nga-Trung Quốc phải bằng mức buôn bán với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Gần đây Nga và Trung Quốc có lập trường quốc tế giống nhau, song một số học giả và chính khách Nga lại cho rằng điều đó chỉ thể hiện ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng chứ không động chạm đến lợi ích đôi bên. Thí dụ, Trung Quốc coi Tổ chức Hợp tác Thượng Hải là bước thí nghiệm sự nhất thể hoá khu vực có Trung Quốc tham gia, nhưng Nga chưa coi trọng tổ chức này.

Tuy vậy, tuyệt đại đa số người Nga cho rằng nhờ cậy ảnh hưởng quốc tế ngày càng mạnh của Trung Quốc để xác lập địa vị nước lớn của Nga trong 20 năm đầu thế kỷ XXI là phù hợp lợi ích chiến lược của Nga. Ngay Sharavin cũng nói sự đe doạ của Trung Quốc không phải là hiện nay, mà là sau khi Trung Quốc trỗi dậy, tức 20 năm sau, thậm chí lâu hơn, Trung Quốc sẽ trở thành mối đe doạ quân sự lớn nhất, thực tế có khả năng nhất, duy nhất của Nga. Học giả A. Devtov nói: theo đà tăng quốc lực của Trung Quốc, sự đe doạ đó sẽ chỉ tăng không giảm, hợp tác Nga-Trung Quốc sẽ ngày một lỏng lẻo, thậm chí ngừng lại và xuất hiện xung đột quân sự, dự kiến “Có thể khi hiệp định hợp tác hữu hảo Nga-Trung Quốc hết hạn (2020) sẽ là ngày Nga tiến hành xung đột biên giới gay gắt với Trung Quốc vì bị mất một phần lãnh thổ”.

II. “Trung Quốc sau trỗi dậy có thể là mối đe doạ chính đối với Nga”:

Từ giữa thập niên 90 thế kỷ XX, Nga luôn luôn nói luận điệu này. Sharavin nói Trung Quốc sau 20 năm nữa sẽ trở thành “Mối đe doạ thứ 3” mạnh hơn rất nhiều so với chiến tranh Chesnya và Kosovo. Sharavin và những người cổ suý thuyết “Trung Quốc đe doạ” cho rằng sau khi trỗi dậy, Trung Quốc sẽ đe doạ an ninh của Nga. Quan điểm của họ thể hiện trên các mặt:

1. Thuyết “Lãnh thổ cũ trở về Trung Quốc”. Đây là quan điểm phổ biến ở Nga. Sharavin nói: Chính phủ Trung Quốc có dã tâm lãnh thổ đối với Nga, vì thế dung túng cho báo chí Trung Quốc làm om sòm vấn đề này. “Chớ nên chỉ quan tâm vụ tranh chấp 4 đảo nhỏ với Nhật Bản”, “Vấn đề biên giới Nga-Trung Quốc như quả bom nổ chậm”. “Lực lượng tấn công mạnh của Trung Quốc tập kết ở vùng tuyến đầu biên giới, tuy cách đường biên 200km, nhưng cự ly này không đáng kể”. Chính sách hiện nay của Trung Quốc chưa gây ra đe doạ, “nhưng 10 năm nữa, ai có thể bảo đảm Trung Quốc không chia cắt bản đồ Nga ?” Giám đốc Trung tâm Dự báo quân sự A. Tsyganok (thuộc Viện của Sharavin) cho rằng “Trung Quốc luôn có dã tâm lãnh thổ”, “Nguy hiểm ở chỗ biên giới hai nước còn có những đoạn tranh cãi; người Trung Quốc không chỉ một lần nhấn mạnh họ sẽ không từ bỏ lãnh thổ vốn có của họ bị Nga chiếm hồi thế kỷ XVII-XVIII” ; sau khi mạnh lên, Trung Quốc tất nhiên sẽ thu hồi các lãnh thổ này, Nga-Trung Quốc rất có thể nổ ra chiến tranh hạt nhân, vì “Trung Quốc hiện có 450 đầu đạn hạt nhân bao gồm 150 đầu đạn hạt nhân chiến lược, 150 bom hạt nhân, và 150 đầu đạn pháo hạt nhân”.

Quân đội Trung Quốc có quân số lớn nhất thế giới.
Quân đội Trung Quốc trang bị ngày càng hiện đại và cũng ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn trong tranh chấp lãnh thổ.
 

2. Thuyết “Bành trướng dân số dư thừa”. 10 năm trước, quyền Thủ tướng Nga hồi ấy là Egor Gaida nói: Tại vùng tiếp giáp hai nước “mật độ số dân Trung Quốc gấp 100 lần của Nga. Tổng số dân Trung Quốc gấp 8 lần Nga”, “Sự suy thoái của chúng ta và đất đai rộng rãi vùng Viễn Đông của ta chưa khai thác chính là miếng mồi nguy hiểm”. Tsyganok cho rằng Trung Quốc luôn dùng cách di dân bất hợp pháp để lặng lẽ tiến hành “bành trướng kiểu bò dần” . Một cuộc thăm dò ý dân vùng Viễn Đông cho thấy 50% số người nói sau 10 năm nữa, dân di cư của Trung Quốc sẽ chiếm 20-40% số dân vùng này; 20% nói tỷ lệ đó tới 40-60%.

3. Thuyết “Tranh cướp nguyên vật liệu” dựa trên cơ sở cho rằng Trung Quốc do kinh tế phát triển nhanh đã trở thành “mãnh thú năng lượng”; để giành được nguồn cung cấp nguyên vật liệu, sau khi đã dùng hết các biện pháp hoà bình, Trung Quốc sẽ dùng vũ lực cướp đoạt nguyên vật liệu của thế giới, trước hết từ các nước xung quanh. Sharavin nói, Trung Quốc thiếu tài nguyên, sau 20 năm nữa sẽ không còn sức để duy trì kinh tế phát triển “cho nên nhất định Trung Quốc sẽ xâm lược và cướp nước Nga giàu tài nguyên”.

Sau nhiều năm cố gắng tuyên truyền của Chính phủ Trung Quốc, “thuyết Trung Quốc đe doạ” đã phai nhạt dần, thế nhưng nó vẫn tồn tại ở Nga, đó là bởi vì :

1. Người Nga không thể xoá được ký ức lịch sử. Vùng Viễn Đông là khởi nguồn của “thuyết Trung Quốc đe doạ”, do tính hợp pháp của việc nước Nga Sa hoàng xâm chiếm lãnh thổ Trung Quốc (chú ý: đây là quan điểm của Trung Quốc) vẫn là gánh nặng tâm lý của người Nga; Viễn Đông là tuyến đầu trong thời kỳ Liên Xô -Trung Quốc đối đầu 30 năm trước; hồi ấy Liên Xô tốn 300 tỷ rúp để củng cố vùng này, hơn gấp 2 ngân sách bình quân năm của Liên Xô thập kỷ 80. Tình cảm đối địch với Trung Quốc ngày ấy không thể tan hết ngay.

2. Hiện thực tương phản không ngừng tăng. GDP của Trung Quốc hiện gấp 5 lần Nga, số dân gấp 9 lần. Ưu thế cũ của Nga về mức sống, trình độ giáo dục, sức mạnh quân sự (kể cả vũ khí hạt nhân) so với Trung Quốc đang bị thu hẹp, thậm chí bị Trung Quốc đuổi kịp. Thập niên 50 thế kỷ XX, Viễn Đông là nơi viện trợ chính cho Trung Quốc, ngày nay đây lại là nơi khao khát nhận viện trợ của Trung Quốc nhất. Mối quan hệ bạn bè không còn cân đối nữa.

3. Các sai sót của phía Trung Quốc bị lợi dụng. Sai sót lớn nhất là để cho các thương gia Trung Quốc kém phẩm chất và hàng giả hàng xấu của Trung Quốc tràn sang Nga. Các nhà tư bản Nga mới phất không muốn tạo ưu đãi cho đầu tư nước ngoài lợi dụng dịp này cổ vũ thái độ bài Hoa.

4. Phương Tây thừa cơ cổ suý. Mỹ luôn khiêu khích quan hệ Nga-Trung Quốc mà “thuyết Trung Quốc đe doạ” là một công cụ. Công ty Mỹ Rand mới đây đưa ra báo cáo nghiên cứu “Trước năm 2020 chiến tranh Nga-Trung Quốc không thể tránh khỏi”. Đài truyền hình Nga ở Viễn Đông còn dựng phim về chuyện này.

III. “Tương lai của Trung Quốc trỗi dậy vẫn tồn tại tính không xác định rất lớn”.

Gần đây Nga đặc biệt quan tâm đến việc liệu Trung Quốc có thể giữ được xu thế phát triển bền vững hay không. Một số người thuộc tầng lớp tinh hoa Nga cho rằng tương lai của Trung Quốc có nhiều “tính không ổn định” thậm chí tồn tại khả năng “Trung Quốc sụp đổ”. Họ bàn luận vấn đề này vì các lý do: – thù ghét Trung Quốc; – đề phòng Nga bị Trung Quốc thất bại kéo theo xuống hố; – cảnh giác với việc hợp tác Nga-Trung Quốc.

Theo người Nga phân tích, Trung Quốc có tương lai bất ổn hoặc sụp đổ là do 4 khả năng sau :

1. “Tính không xác định của mô hình phát triển”. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 20 năm qua xây dựng trên cơ sở nhân công rẻ, tiêu hao năng lượng lớn nhất và phá hoại sinh thái nặng nhất; mô hình đầu vào cao đầu ra thấp này đang đi vào ngõ cụt.

2. “Tính không xác định của việc cải cách chính trị chậm”. Nhiều học giả và chính khách Nga nghi ngờ Trung Quốc do đảng Cộng sản lãnh đạo, cho rằng xã hội và kinh tế Trung Quốc vẫn đang ở thời kỳ quá độ, lưu giữ các thành phần cơ chế chủ nghĩa quyền lực, phân hoá xã hội ngày càng nặng; “mâu thuẫn giữa đa nguyên hoá kinh tế với đảng độc quyền nắm chính trị ấp ủ nguy cơ chính trị nghiêm trọng”; cải cách chính trị tụt hậu xa so với phát triển kinh tế; mâu thuẫn giữa cơ sở kinh tế phát triển với thượng tầng kiến trúc lạc hậu ngày càng gay gắt; thay ê kíp lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc không có nghĩa là cải cách chính trị.

3. “Tính không xác định của thất bại khi dùng vũ lực giải quyết Đài Loan”. Nếu thế lực mạnh của bên ngoài can thiệp làm thất bại giải pháp vũ lực của Trung Quốc thì thế lực đó sẽ thừa cơ can thiệp vào nội chính của Trung Quốc.

4. “Tính không xác định của vấn đề dân tộc địa phương hóc búa”. Tây Tạng, Tân Cương sẽ có thể nổ ra bạo loạn sắc tộc. Cựu thứ trưởng ngoại giao, cựu đại sứ Nga ở Triều Tiên G. Kunadze giữ quan điểm này.

Nhiều người Nga cho rằng 4 nhân tố trên cũng liên quan đến an ninh quốc gia của Nga. “Nếu Trung Quốc không kiểm soát được tình hình chính trị thì sẽ xảy ra di dân quy mô lớn, nguy hại cho Nga”. Nếu Tây Tạng và Tân Cương nổi loạn thì an ninh quốc gia Kazakhstan và Nga sẽ bị ảnh hưởng, vì 2 nước này có các hiệp định tương trợ, “Nga sẽ bị cuốn vào xung đột dân tộc Uygua với Kazak, Uygua với Hán tộc”.

IV. Hai trái ngược trong tâm lý đối với Trung Quốc: hợp tác trong đề phòng.

Bản báo cáo nổi tiếng “Nước Nga thế kỷ XXI: chiến lược phát triển” của câu lạc bộ quốc tế “Thế hệ mới” viết: sự lớn mạnh và xáo động kịch liệt của Trung Quốc tương lai sẽ thách thức sự ổn định và an ninh của khu vực và toàn cầu. Trung Quốc lớn mạnh sẽ làm cho lãnh đạo Trung Quốc tích cực hơn tìm kiếm địa vị chủ đạo trong vùng, thậm chí thách thức địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Trung Quốc xáo động mạnh sẽ dẫn đến mất kiểm soát số dân, không tránh khỏi việc dân chúng tràn như nước lũ qua biên giới. Ngoài ra số lượng lớn vũ khí Trung Quốc tích luỹ được cũng sẽ mất kiểm soát.

Một mặt là sự nhờ vả lợi ích chiến lược, một mặt là tâm lý lo lắng sợ hãi, người Nga có tâm trạng phức tạp hai mặt trái ngược nhau đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chủ yếu thể hiện ở các mặt:

1. Trên lĩnh vực chính trị quốc tế: Vừa nhờ cậy Trung Quốc để đối chọi lại Mỹ, lại chủ trương ức chế Trung Quốc. Bản báo cáo nói trên viết: nên từ phía nam và đông nam (Đài Loan), phía bắc (Mông Cổ và Nga) xây dựng một liên minh trung lập để khống chế nguy cơ xâm lược của Trung Quốc về chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự. Nên có biện pháp dự phòng và cảnh cáo để sử dụng khi thất bại trong việc ức chế bành trướng từ Trung Quốc.

2. Trên lĩnh vực hợp tác kinh tế: vừa muốn đáp chuyến tàu nhanh của Trung Quốc, lại chủ trương không viện trợ kinh tế Trung Quốc. Một số nhân vật tinh anh Nga phản đối bán dầu khí cho Trung Quốc, vì không những đó là dùng “dòng máu năng lượng” Nga nuôi kẻ địch tiềm tàng và khiến cho dòng máu ấy bị hút cạn, mà cuối cùng còn làm Nga trở thành nước xuất khẩu năng lượng, không thể hoàn tất chuyển đổi kinh tế, và do quá ỷ lại vào thị trường Trung Quốc mà trở thành thuộc địa nguyên liệu của Trung Quốc. So với Trung Quốc thì Nhật Bản thích hợp làm bạn bè hợp tác của Nga hơn, có thể giúp Nga hiện đại hoá, vì Nhật Bản có nền chính trị ổn định, trình độ kỹ thuật và sức mạnh tài chính đều hơn Trung Quốc. Đây là quan điểm tiêu biểu của Nga.

3. Trên lĩnh vực hợp tác quân sự: Vừa muốn ổn định hiện trạng bán vũ khí cho Trung Quốc, lại chủ trương hạn chế chất lượng vũ khí xuất khẩu. Nga rất sợ mất thị trường vũ khí ở Trung Quốc, song vẫn có người đề nghị giảm hợp tác quân sự Nga-Trung Quốc, “lĩnh vực hợp tác duy nhất cần ngừng là bán cho Trung Quốc vũ khí tối tân của Nga, các vũ khí chưa trang bị toàn diện cho quân đội Nga”. “Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng quân sự là tiến hành tác chiến quy mô lớn trên đất và trên biển ở vùng biên giới, kể cả dùng vũ khí hạt nhân”. Điều đó cho thấy “Trung Quốc sau khi hiện đại hoá lực lượng vũ trang và giành được tiến bộ kinh tế lớn thì sẽ rất có thể theo đuổi chính sách bành trướng dựa vào quân sự”.

4. Trên vấn đề thống nhất quốc gia: Vừa mưu cầu Trung Quốc ủng hộ chính sách Chesnya của Nga, lại vừa chủ trương Nga có bảo lưu về vấn đề Đài Loan. Một số người Nga luôn nhắc nhở Chính phủ họ có thái độ lý trí trên vấn đề Đài Loan, việc ủng hộ Trung Quốc nên lấy giới hạn là không để nổ ra chiến tranh Đài Loan, vì điều đó không hợp lợi ích của Nga, trong khi buôn bán Nga-Đài Loan đến 2 tỷ USD. Nga chớ nên vì ủng hộ Trung Quốc dùng vũ lực đánh Đài Loan mà ảnh hưởng đến quan hệ với phương Tây. Người Nga còn lo nếu Mỹ can thiệp vũ lực vào Đài Loan thành công thì Mỹ sẽ can thiệp nội tình Trung Quốc, gây ra nội loạn ở Trung Quốc, do đó nguy hại an ninh của Nga. Một quan điểm khác là: Nếu Trung Quốc hoà bình thống nhất được Đài Loan thì tiếp đó Trung Quốc sẽ chọc thủng biên giới ở chỗ nào ? Không loại trừ khả năng căng thẳng quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ, Trung Quốc-Nhật Bản, điều này sẽ làm Nga khó xử khi lựa chọn thái độ trên các vấn đề đó; “khi ấy Trung Quốc rất có thể nêu ra yêu cầu lãnh thổ với Nga”.

Điều đáng an ủi là trong tiến trình quan hệ giữa hai nước phát triển, mặc dù các tạp âm “Trung Quốc đe doạ” và “Trung Quốc sụp đổ” lúc ẩn lúc hiện, thậm chí có lúc bất chợt khuếch đại, song hai nước Nga-Trung luôn luôn đặt việc hợp tác chiến lược lên địa vị quan trọng vì tình thế chiến lược vẫn cần đến nhau.

Theo VHNA

Theo Đăng lại