Nga vừa phủ quyết việc gia hạn hằng năm cho hoạt động của nhóm chuyên gia giám sát thực thi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) đối với Triều Tiên, liên quan đến các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
Động thái của Mátxcơva giáng một đòn mạnh vào việc thực thi rất nhiều lệnh trừng phạt của LHQ nhằm vào Triều Tiên kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006.
Ngày 29/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Đối với chúng tôi, rõ ràng Hội đồng Bảo an LHQ không còn có thể sử dụng các khuôn mẫu cũ liên quan đến vấn đề trên bán đảo Triều Tiên”.
Bà Zakharova cho rằng Mỹ đang gây căng thẳng quân sự, trong khi những hạn chế quốc tế không cải thiện được tình hình an ninh và gây ra hậu quả nhân đạo nghiêm trọng cho người dân Triều Tiên.
Bà nói: “Mỹ và các đồng minh đã chứng minh rõ ràng rằng lợi ích của họ không vượt ra ngoài việc ‘bóp nghẹt’ Triều Tiên bằng mọi biện pháp sẵn có và một giải pháp hòa bình hoàn toàn không nằm trong chương trình nghị sự”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng quyền phủ quyết của Nga "làm suy yếu hòa bình và an ninh quốc tế” và cáo buộc Mátxcơva đang hợp tác với Triều Tiên để có thêm vũ khí.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller lên tiếng nói rằng Nga “sẽ phải gánh chịu hết hậu quả của việc phủ quyết này”.
Việc Nga dùng quyền phủ quyết được coi là bước ngoặt lớn trong cơ chế trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên.
Theo LHQ, Triều Tiên là quốc gia duy nhất tiến hành các vụ thử hạt nhân trong thế kỷ 21 - vào các năm 2006, 2009, 2013, hai lần vào năm 2016 và 2017.
Nga cho rằng công việc của các chuyên gia giám sát không bảo đảm tính khách quan và không thiên vị, mà họ đã trở thành công cụ của phương Tây.
Bà Zakharova nói: “Nhóm chuyên gia của Ủy ban Hội đồng Bảo an LHQ 1718 đã đánh mất mọi tiêu chuẩn về tính khách quan và vô tư, vốn là đặc điểm không thể thiếu trong nhiệm vụ của nhóm”.
Việc Nga phủ quyết cho thấy cuộc xung đột ở Ukraine đã làm suy yếu hợp tác giữa các cường quốc trong những vấn đề toàn cầu lớn khác đến mức nào.
Washington cho rằng Triều Tiên cung cấp cho Nga các tên lửa để sử dụng ở Ukraine, trong khi Mátxcơva và Bình Nhưỡng bác bỏ.
Các nhà quan sát cho rằng việc Nga xích lại gần Triều Tiên vừa để chọc tức Mỹ và đồng minh, đồng thời có thêm nguồn cung cấp pháo binh dồi dào.
Bà Zakharova cho biết, Nga đang tìm kiếm một sự thỏa hiệp mà theo đó các biện pháp trừng phạt sẽ được đánh giá trong khung thời hạn cụ thể, dù đề xuất này vấp phải "thái độ thù địch" từ Washington.
“Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế leo thang và tự điều chỉnh lại để tìm cách giảm bớt căng thẳng, có tính đến các ưu tiên an ninh”, bà Zakharova nói.