Hãng thông tấn Tass dẫn lời ông Yuri Solomonov - Giám đốc Thiết kế thuộc Viện công nghệ nhiệt Moscow, đồng thời là nhà thiết kế chính của chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Bulava, cho biết: "Việc đưa hệ thống tên lửa Bulava vào biên chế đã được thông qua ngày 7/5, cùng ngày Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu nhiệm kỳ mới kéo dài 6 năm".
Bulava được phát triển theo một chương trình hiện đại hoá vũ khí Nga, bắt đầu từ những năm 1990 và được thiết kế để triển khai trên các tàu ngầm lớp Borei của Nga. Hạm đội phương Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương của Nga vận hành 7 tàu ngầm lớp Borei, mỗi chiếc có thể được được trang bị 16 tên lửa Bulava.
Tháng 11 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nga cho biết một trong những tàu ngầm này đã phóng thử thành công tên lửa Bulava từ Biển Trắng và bắn trúng mục tiêu cách xa hàng nghìn km trên bán đảo Kamchatka, vùng Viễn Đông của Nga.
Bulava là dòng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, có chiều dài khoảng 12 m, đường kính 2 m, nặng gần 37 tấn. Theo nguồn dữ liệu mở, tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn ba giai đoạn và được chỉ định sử dụng trên các tàu ngầm hạt nhân.
Tên lửa hoạt động theo cơ chế ba giai đoạn phóng. Hai giai đoạn đầu sử dụng nhiên liệu rắn, giai đoạn cuối dùng nhiên liệu lỏng để tăng tính cơ động trong quá trình tách đầu đạn. Khả năng phóng nghiêng của Bulava cho phép tàu ngầm phóng khi đang chuyển động.
Các báo cáo chính thức xác nhận tên lửa Bulava có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân với tầm bắn tối đa 9.000 km và dự kiến sẽ trở thành trụ cột của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga đến năm 2040-2045.
Theo Dự án Phòng thủ tên lửa tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, Bulava đại diện cho "một thành phần cốt lõi của lực lượng hạt nhân chiến lược trong tương lai của Nga".