Tháng 6 năm ngoái, ông Ryabkov từng cảnh báo, lập trường ngày càng cứng rắn của Washington đối với Nga khiến mọi liên lạc ngoại giao trở nên "bất khả thi".
Khi được đề nghị làm rõ lập trường này, ông nói với tờ Izvestia, rằng mặc dù không có kịch bản nào khiến Nga "tự động" cắt đứt quan hệ với phương Tây, nhưng lựa chọn này "chắc chắn" được cân nhắc.
“Chúng tôi không bao giờ thực hiện các bước leo thang mà không có sự khiêu khích”, ông Ryabkov nhấn mạnh.
Khi được hỏi hành động nào của Mỹ có thể khiến Nga hạ cấp quan hệ, ông Ryabkov đề cập đến những nỗ lực của Mỹ nhằm tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga, cũng như "các hành động leo thang mạnh mẽ và kịch tính dẫn đến tình hình tồi tệ hơn trên tiền tuyến” ở Ukraine.
Ông Ryabkov lưu ý rằng có "một số kế hoạch mà phương Tây vẫn tiếp tục thảo luận" có thể làm leo thang xung đột. Ví dụ, trong nhiều tháng, Kiev đã thúc đẩy Mỹ và các đồng minh dỡ bỏ lệnh cấm tấn công sâu trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp.
“Một số người ở phương Tây thảo luận về những kế hoạch này với sự phấn khích, nhưng một số người lại có sự lo lắng nhất định, hiểu được rằng điều này có thể gây hậu quả như thế nào đối với họ”, ông Ryabkov nói, ám chỉ rằng chừng nào các cuộc thảo luận này còn tiếp diễn thì mối đe dọa về sự rạn nứt ngoại giao giữa Mátxcơva và Washington vẫn còn.
Thứ trưởng lưu ý, rằng hiện rất khó để dự đoán quan hệ Mỹ - Nga sẽ diễn biến như thế nào sau khi ông Donald Trump đắc cử.
Một số nhà phân tích dự đoán mối quan hệ sẽ tan băng do những lời cam kết liên tục của ông Trump về việc chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông Ryabkov cho biết, mặc dù "những lời hứa và tín hiệu" do ông Trump đưa ra “là quan trọng", nhưng Mátxcơva vẫn sẽ chờ đợi “những hành động cụ thể” của ông Trump trước khi đưa ra đánh giá.
Mối quan hệ song phương giữa Nga và Mỹ đã xấu đi kể từ năm 2014, khi xung đột bùng phát ở Donbass và bán đảo Crimea sáp nhập Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý. Washington và các đồng minh đã đáp trả bằng cách áp đặt lệnh trừng phạt đối với Mátxcơva.
Mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn khi xung đột Ukraine leo thang vào tháng 2/2022. Phương Tây phản ứng bằng cách áp đặt thêm lệnh trừng phạt lên Nga, cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự cho Kiev.
Mátxcơva đã nhiều lần chỉ trích chính sách của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, cảnh báo rằng tất cả những gì họ làm là kéo dài xung đột mà không thay đổi được kết quả.