Các nguồn thạo tin cho biết, tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga mang tên “Iskander”. Ngoài Kaliningrad, các tên lửa này cũng có thể được Moscow triển khai ở Crimea. Như vậy, nếu kế hoạch này của Nga được triển khai thì một vùng lãnh thổ rộng lớn tại biên giới các nước thành viên của NATO như Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia chắc hẳn sẽ rơi vào trạng thái “đứng ngồi không yên”, báo Mỹ nhận định.
Theo Mikhail Barabanov, chuyên gia nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ (CAST) có trụ sở tại Moscow, chịu trách nhiệm cố vấn cho Bộ Quốc phòng Nga, Điện Kremlin nhiều khả năng sẽ triển khai lâu dài hệ thống tên lửa Iskander trước cuối năm 2019.
“Các dữ liệu thu thập được cho thấy, việc triển khai Iskander tại vùng Kaliningrad chắc chắn sẽ được thực hiện”, ông Barabanov nói.
Iskander, phía NATO gọi là SS-26 Stone, là hệ thống tên lửa đạn đạo lưu động được Nga triển khai để thay thế tên lửa Soviet Scud. Tầm bắn của Iskander lên tới 500km và có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân. Trước đó, Nga đã 2 lần triển khai Iskander tới Kaliningrad để tham gia các cuộc tập trận quân sự.
Trước đó, ngày 12/5, Mỹ chính thức kích hoạt lá chắn tên lửa Aegis (ABM) trị giá 800 triệu USD ở Romania với mục tiêu bảo vệ các đồng minh NATO khỏi mối đe dọa từ tên lửa tầm ngắn và tầm trung của các nước như Iran. Mặc dù Mỹ nói rằng hệ thống này là “vô hại” nhưng Nga vẫn có nhiều lý do để lo ngại rằng hệ thống này đe dọa an ninh của họ. Theo đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra cảnh báo rằng: “Bây giờ, sau khi Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này, chúng tôi sẽ buộc phải tính đến việc ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh của nước Nga”.