Nên thận trọng khi mở rộng diện tích trồng cây sưa

TP - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Bình - Cục trưởng Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) trong cuộc trao đổi với Tiền phong xung quanh vấn đề người dân khắp nơi đổ xô đi mua giống, trồng sưa.

>> Làng tỷ phú giống sưa

Ông Nguyễn Ngọc Bình.

Ông Bình cho biết: Hai năm trở lại đây, do “cơn sốt” giá gỗ sưa nên bà con nhiều địa phương đổ xô đi mua giống sưa về trồng. Dù không ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái, cơ cấu cây lâm nghiệp cũng như đời sống người dân nhưng bà con đặc biệt chú ý đến chất lượng giống.

Cục Lâm nghiệp đã có văn bản chỉ đạo Chi cục Lâm nghiệp ở các địa phương quản lý chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng cây giống; yêu cầu tất cả các cơ sở ươm giống phải đăng ký với cơ quan chức năng, cam kết chất lượng giống khi cung cấp cho bà con.

Hiểu biết của người dân về loài cây này còn hạn chế. Vậy có cách nào để giúp bà con, thưa ông?

Đúng là chọn giống sưa đúng loài, đảm bảo chất lượng không hề đơn giản, bởi hiểu biết của người dân còn hạn chế và cây này cũng chưa được đưa vào trong danh mục trồng rừng.

Chúng tôi đã giao cho ngành Lâm nghiệp các địa phương chịu trách nhiệm giám sát việc cung cấp cây giống (từ nguồn gốc hạt, cách gieo ươm đến cách chăm sóc cây giống, cung cấp ra thị trường…). Tất cả các cơ sở cung cấp giống đều phải đăng ký với cơ quan chức năng, phải có công bố tiêu chuẩn theo quy định của ngành Lâm nghiệp và tự chịu trách nhiệm về chất lượng giống. Bà con muốn mua giống tốt cần tìm đến các cơ sở đã được đăng ký.

Không ít người dân đổ xô mua sưa giống nhưng không nhận biết được có phải sưa hay không?

Từ đầu năm đến nay, đã có hàng triệu cây sưa giống được bán cho người dân trồng. Theo ông, có nên mở rộng diện tích trồng sưa?

Thời gian vừa qua, chúng tôi cũng có nhận được một số ý kiến của các địa phương xung quanh việc giám định loài và cho phép gieo ươm cây sưa hay không. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao cho Viện Điều tra quy hoạch rừng tiến hành điều tra và giám định, giúp các địa phương gây trồng và phát triển đúng loài.

Bộ khuyến khích việc các địa phương gieo ươm và gây trồng nhưng do đến nay vẫn chưa có tài liệu chính thức nào báo cáo kết quả nghiên cứu khảo nghiệm, trồng thử nghiệm nên Bộ đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần xem xét, cân nhắc, thận trọng trước khi mở rộng diện tích gây trồng.

Cây sưa (hay còn gọi là trắc thối, huỳnh đàn, huê mộc…) thuộc họ Đậu, là loài cây lớn, chiều cao có thể tới 15 m, đường kính thân cây có thể tới 0,5 m, tán rộng, hoa trắng, có thể lấy gỗ đóng đồ gia dụng.

Cây sưa phân bổ ở độ cao 800 - 1.000 m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình 250C, lượng mưa 1.200 - 2.200 mm, tầng đất dầy, độ pH trung bình. Nơi trồng thứ sinh, nương rẫy, nông lâm kết hợp hoặc phân tán hộ gia đình. Cây mọc nhanh, 7 - 8 năm thì ra hoa; cây mẹ khoảng 10-12 năm là tốt, ra hoa vào khoảng tháng 5 - 6, quả chín vào tháng 11 - 12.

Phương thức trồng bầu hoặc rễ trần. Cây có khả năng tái sinh chồi. Mật độ trồng 1.100 cây/ha hoặc 1.660 cây/ha. (Nguồn: Cục Lâm nghiệp Việt Nam)

Đức Kế
Thực hiện