Nên bỏ thi tốt nghiệp THPT và giữ thi tuyển sinh ĐH

TP - Theo ông Trần Kiên, nghiên cứu sinh Luật, Đại học Glasgow, Vương quốc Anh, trong bối cảnh vừa muốn giảm tải thi cử cho học sinh vừa làm sao đảm bảo được chất lượng đầu vào đại học, Việt Nam nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT và giữ nguyên kỳ thi tuyển sinh đại học với một số điều chỉnh cần thiết.
Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. Ảnh: Như Ý

Theo báo chí đưa tin, Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị đổi mới thi cử theo hướng tổ chức một kỳ thi quốc gia chung để vừa xét tốt nghiệp phổ thông, vừa là kết quả đầu vào đại học thay cho hai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học (ĐH) riêng biệt, tốn kém, và không hiệu quả như hiện nay.

Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương này vẫn còn lo ngại chủ yếu xoay quanh sự trung thực, khách quan của kỳ thì quốc gia chung này, nhất là trong việc sử dụng kết quả để xét vào đại học. 

Sự lo ngại này bắt nguồn từ nhiều tiêu cực nảy sinh trong quá trình tổ chức thi tốt nghiệp THPT các năm trước, khi tình trạng gian lận thi cử như quay cóp, gà bài, thậm chí làm hộ bài thi diễn ra công khai, vì mục tiêu thành tích tất cả học sinh đều tốt nghiệp THPT.

Trong bối cảnh cải cách vừa muốn giảm tải kỳ thi, vừa làm sao đảm bảo được chất lượng đầu vào chương trình đại học, chúng ta có thể nghĩ đến một giải pháp đơn giản hơn nhưng không kém phần hiệu quả đó là bỏ kỳ thi trung học phổ thông và vẫn giữ nguyên kỳ thi tuyển sinh đại học với một số thay đổi cần thiết.

Việc bỏ kỳ thi THPT vừa đạt được mục đích giảm tải như mong muốn của Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng như xã hội, vừa loại trừ một kỳ thi bị chỉ trích là nhiều gian lận, chạy theo thành tích. 

Ở góc độ khác, chương trình phổ thông là một quá trình học tập lâu dài, tích lũy kiến thức theo từng giai đoạn. Các em học đến đâu đã được kiểm tra đến đó. Do vậy, không nên để và lấy một kỳ thi cuối cùng của bậc THPT làm tiêu chí đánh giá toàn bộ 12 năm học của các em. 

Chúng ta đều không muốn chứng kiến các em, vì một sơ suất nào trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà bị tước đoạt cơ hội tiếp tục theo đuổi các chương trình đào tạo khác, hoặc tệ hơn là toàn bộ thời gian học tập, phấn đấu 12 năm trước đó cũng bị phủ nhận sạch trơn chỉ bởi một kỳ thi cuối cấp.

Không bị sức ép vì bệnh thành tích tốt nghiệp THPT, biết đâu lại giúp chính các trường phổ thông và thầy cô giáo trung thực hơn, dạy sáng tạo hơn, và tận tâm hơn. Do đó, cũng góp phần giáo dục các công dân tương lai tốt hơn.

Với giải pháp này, bất kỳ học sinh nào hoàn thành xong chương trình năm lớp 12 hoặc tương đương, có thể là vượt qua các bài kiểm tra bình thường của học kỳ 2 năm lớp 12 đều sẽ được cấp bằng Tốt nghiệp THPT mà không cần phải trải qua thêm kỳ thi tốt nghiệp THPT nào nữa. 

Các em sau đó sẽ được tự quyết định theo học các chương trình tiếp theo như trung cấp nghề, cao đẳng hay đăng ký tham gia thi đại học tùy theo định hướng và năng lực bản thân.

Kỳ thi đại học sẽ được nâng tầm lên thành kỳ thi đại học quốc gia như đề án của Bộ Giáo dục, nhưng vẫn được tổ chức căn bản như hiện nay, với một số điều chỉnh cần thiết để giúp kỳ thi hiệu quả hơn, và đặc biệt là tiếp tục đặt dưới sự giám sát trực tiếp của Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng như các trường đại học nơi thí sinh thi vào. Cách làm này có một số ưu điểm quan trọng sau.

Thứ nhất, sẽ chỉ có đúng một kỳ thi quốc gia với các ưu điểm về tiết kiệm, hiệu quả như mong muốn.

Thứ hai, chất lượng đầu vào sẽ được đảm bảo. Như chúng ta thấy, kỳ thi đại học hiện nay khá khách quan và phản ánh được khá chính xác chất lượng thí sinh. 

Lý do là bởi kỳ thi được đặt dưới sự giám sát và điều hành trực tiếp của Bộ Giáo dục & Đào tạo và các trường đại học, chứ không phải dưới sự tổ chức và giám sát của các Sở giáo dục và các trường phổ thông trung học trên toàn quốc như kỳ thi tốt nghiệp THPT, một trong các nguyên nhân chính dẫn đến sự gian lận trong thi cử.

Tính độc lập, khách quan, và trực tiếp của những người tổ chức kỳ thi đại học rõ ràng là nguyên nhân của sự trung thực, chất lượng của kết quả thi, và qua đó cũng mang lại công bằng cho chính các thí sinh và xã hội. Học sinh nào có năng lực sẽ được chọn, yếu sẽ bị loại.

Số lượng môn thi trong kỳ thi đại học quốc gia do Bộ Giáo dục & Đào tạo quyết định. Tuy nhiên, thiết nghĩ số lượng 3 môn hiện nay là phù hợp, có thể tăng lên thành 4 nếu các trường đại học cho rằng 4 môn sẽ giúp đánh giá chuẩn hơn. Nhưng không nên tăng thành 6 môn. 

Lý do vẫn là các trường đại học với chuyên ngành khác nhau sẽ chỉ có nhu cầu đánh giá thí sinh ở các kiến thức phổ thông cần thiết, có liên quan để tiếp thu kiến thức chuyên ngành. Đánh giá toàn bộ kiến thức giáo dục phổ thông, diện rộng không phải là nghĩa vụ của trường đại học. Điều đó đã được thực hiện qua từng lớp học, cấp học phổ thông như đã trình bày ở trên rồi.

Kỳ thi có thể vẫn tổ chức tập trung, theo cụm như hiện nay, và nhất thiết là phải dưới sự tổ chức, giám sát, trông thi, chấm thi của Bộ Giáo dục & Đào tạo và các trường đại học. Chỉ có như vậy thì yếu tố trung thực, chất lượng mới được đảm bảo, ít ra là trong thời gian trước mắt cho đến khi bệnh thành tích không còn là nỗi ám ảnh thường trực của giáo dục phổ thông.

Khi đó, chúng ta có thể nghĩ đến việc tổ chức thi đại học tại chính các địa phương, tất nhiên, vẫn dưới sự giám sát của Bộ và các trường đại học. 

Cũng không nên quá lo lắng vì vấn đề học tủ, học lệch của học sinh THPT, bởi đây là điều hoàn toàn bình thường. Đừng để các chữ “tủ” hay “lệch” làm chúng ta hiểu lầm. Các em học sinh khi bước vào cấp THPT là đã hiểu được năng lực, sở thích của mình về các môn học, cũng như có định hướng nghề nghiệp. Do đó, việc các em lựa chọn và nghiêng về một số môn nhất định không phải là việc xấu, nếu không muốn nói là việc đáng làm.