TS Lâm cho rằng, nên bỏ cách phân loại hạnh kiểm học sinh tốt, xấu, theo kiểu dán nhãn, kỳ thị. Theo ông, cần quan tâm hơn đến những học sinh sinh yếu kém, “vì nếu người tích cực làm cũng chỉ bằng người phá”. Ông nói: “Khi thầy đánh giá xếp loại yếu kém, phải nhìn theo hướng động, là cách để gần gũi với học trò, điều chỉnh, tạo động lực cho học trò tiến bộ, tránh nhìn cái yếu kém một cách kỳ thị”.
Diễn giả Giáp Văn Dương cho rằng con người tự do là đích đến của giáo dục
Diễn giả Lâm cũng cho rằng, trong giáo dục, nếu cứ để tình trạng “hết năm là lên lớp” sẽ triệt tiêu động lực của học sinh. Điều này khiến học sinh thiếu nề nếp học tập, và đáng lo ngại nhất là mất năng lực tư duy, dựa dẫm vào người khác.
Còn diễn giả, TS Giáp Văn Dương, người sáng lập cổng giáo dục trực truyến Giapschool, mấu chốt vủa giáo dục là “học để làm gì?”. Nhiều học sinh, thậm chí sinh viên không trả lời được câu hỏi đó. Theo TS Dương, học là hành trình tự khai sáng, con người tự do là đích đến của giáo dục. Vị diễn giả này cho hay, câu cửa miệng mọi người hay nhắc đến là “học để làm người”, nhưng “người ở đây là người tư do, hay là người công cụ”. “Người tự do là tự do trong tư tưởng, chủ động được hành vi và tự trọng nhân cách”- ông Dương nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất nên bỏ cách phân loại học sinh tốt-xấu.
Dưới góc nhìn “ta là sản phẩm của chính mình”, diễn giả Giản Tư Trung, người sáng lập Viện nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) cho rằng, mỗi người trước hết phải tự lo cho mình trước khi chờ đợi sự giúp đỡ của người khác. Theo ông, trên đời, có 3 việc phải học là học làm người, học làm việc và học làm dân.
“Câu hỏi khó nhất mà hơn chục năm nay, nhiều sinh viên hỏi tôi “thế nào là làm người” và “sống để làm gì”. Thầy cô giáo, gia đình cũng nói, dạy con khôn lớn thành người, nhưng thành người là như thế nào? Mình đang làm một việc mà chưa xác định được mục đích.
Ông Trung lấy thí dụ ở Trung Quốc: Hai năm trước, một bé gái 3 tuổi bị xe cán, nhưng tài xế đã bỏ chạy. Sau đó, một chiếc xe khác lại cán cô bé này và tiếp tục bỏ chạy. Qua camera, người ta đếm được 18 người đa qua đường, chứng kiến vụ việc trên nhưng không ai làm gì. Và đến lúc, người thứ 19, một bà nhặt ve chai đến giúp cô bé, đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhưng rất tiếc là cô bé đã qua đời.
Nhiều sinh viên đặt câu hỏi cho các diễn giả về “học để làm gì?”
Theo ông Trung, giai đoạn hình thành nhân con người, thường tập trung giai đoạn 6-12 tuổi, và gần đây các nhà giáo duc, tâm lý kéo về từ 0-8 tuổi. Còn khi đã vượt ra tuổi đó, thì “ta chính là sản phẩm của chính mình”, tự thân học hỏi. Ông Trung nói rằng, muốn có cách mạng bản thân, trước hết phải bằng cách mạng tự học, “đó là con tim có hồn, cái đầu khai phóng”.
Dưới góc độ của truyền thông, diễn giả Bùi Thu Thủy, Phó trưởng ban Thể thao giải trí và thông tin kinh tế, Đài truyền hình Việt Nam cho rằng, truyền thông không thể đơn độc giao dục, hay cổ vũ giới trẻ sống nghị lực, trách nhiệm, nếu môi trường xã hội, gia đình không cổ vũ điều này. Giáo dục cổ vũ giới trẻ không đủ, người lớn cũng cần làm gương. “Làm sao bạn có thể có một giới trẻ nghị lực, nếu giới không trẻ chìm đắm trong tham vọng xấu, trong giả dối và vô trách nhiệm với bản thân và xã hội”- Bà Thủy nói.
Hội thảo Nâng cao kỹ năng sống nằm trong hoạt động chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”, hướng đến việc giới trẻ sống trung thực, trách nhiệm và nghị lực”. Chương trình này do Trung ương hội LHTN Việt Nam, Ban thanh thiếu niên – VTV6 (Đài Truyền hình Việt Nam), báo Thanh Niên, Tập đoàn Hoa Sen phối hợp cùng Thông tấn xã Việt Nam tổ chức. Trước đó, “Tỏa sáng nghị lực Việt” đã tổ chức thành công 6 buổi phát động tại Hà Nội, TP HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Nghệ An và Cần Thơ.