“Tình huống này là không thể chấp nhận được, và đáng lẽ nó không nên xảy ra”, ông Plenkovic nói với báo giới, đề cập đến vụ một máy bay không người lái lao xuống thủ đô Zagreb của Croatia đêm 10/3.
“Đây là một mối đe doạ rõ ràng, và cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng Liên minh châu Âu (EU) lẽ ra phải phản ứng”, Thủ tướng Plenkovic nói thêm sau khi đến thăm hiện trường vụ rơi máy bay hôm 12/3. Sự cố không gây thương vong về người, nhưng hàng chục chiếc xe hơi đậu gần đó đã bị hư hại.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực để nâng cao tính sẵn sàng cho không chỉ Croatia mà còn cho những quốc gia khác”, ông Plenkovic hứa.
Trước đó chính quyền Croatia cho biết chiếc máy bay không người lái quân sự bị rơi đêm 10/3 dường như đến từ Ukraine.
Chiếc máy bay nặng 6 tấn có khả năng đã đi qua không phận Romania và Hungary trước khi đến Croatia. Nó di chuyển với tốc độ gần 1.000km/giờ, bay qua Hungary trong khoảng 40 phút, rồi bay vào Croatia khoảng 7 phút thì hết nhiên liệu và bị rơi.
Thủ tướng Croatia Plenkovic đã kêu gọi các nhà chức trách Hungary mở một cuộc điều tra về lý do tại sao lực lượng phòng không của nước này không phản ứng với việc máy bay không người lái xâm nhập không phận.
“Nó có thể rơi xuống một nhà máy điện hạt nhân ở Hungary. Rõ ràng họ đã không phản ứng gì, và các quốc gia khác cũng thế. Chúng ta vừa trải qua một bài kiểm tra mà qua đó chúng ta phải học hỏi thêm nhiều điều để phản ứng hiệu quả hơn”, ông Plenkovic nói, đồng thời cho biết Thủ tướng Hungary Viktor Orban thậm chí được thông báo về vụ việc sau cả chính quyền Croatia.
Romania, Hungary và Croatia đều là thành viên NATO. Các nhà chức trách Romania lập luận rằng máy bay đã xâm nhập không phận của họ chỉ trong khoảng ba phút, nên rất khó để đánh chặn.
Thủ tướng Plenkovic cho biết ông đã thông báo cho tất cả các nhà lãnh đạo EU về vụ việc, và cũng đã gửi thư cho Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg để cảnh báo rằng điều tương tự có thể xảy ra ở bất kỳ quốc gia thành viên nào khác của khối.
“Việc này cho thấy NATO cần phải hợp tác chặt chẽ hơn, vì đây là không phận của NATO, của Romania, Hungary và Croatia”, ông Plenkovic giải thích. NATO cho đến nay vẫn chưa phản ứng về vụ việc dưới bất kỳ hình thức nào.
Nguồn gốc chiếc máy bay không người lái hiện chưa được xác định. Dù vậy dựa trên các mảnh vỡ tại hiện trường, nhiều người đồn đoán đây có thể là máy bay không người lái do thám Tu-141 Strizh do Liên Xô thiết kế.
Máy bay Tu-141 nặng khoảng 6 tấn, có tốc độ khoảng 1.000km/giờ và có tầm hoạt động 1.000km. Máy bay này hạ cánh với sự hỗ trợ của hệ thống dù gắn ở đuôi. Cảnh sát Croatia cũng cho biết đã phát hiện ra những chiếc dù ở khu vực máy bay rơi.
Ukraine hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới còn sử dụng máy bay Tu-141. Tuy nhiên, cả Nga và Ukraine đều phủ nhận việc sử dụng máy bay không người lái vào thời điểm xảy ra sự cố.