> Nhiễu thông tin về amip ăn não người
Người ta có vẻ đã nhờn với hàng trăm loại bệnh nguy hiểm về não và hệ thần kinh khác, chỉ sợ mỗi hai chữ “ăn não”. Một góc độ nào đó, thuật ngữ y học được gọi một cách nôm na “ăn não người” này tạo ra hiệu ứng hình ảnh mang tính biểu tượng là chủ yếu.
Về sự mong manh, nguy cơ “sụp đổ” của loài người, khi não bộ chính là biểu trưng cao cấp nhất cho sức mạnh và sự tồn tại của con người.
Trên đời có biết bao căn bệnh, bao nhiêu loại vi rút, vi khuẩn đang là giết người hàng loạt. Còn trên xứ sở này, mỗi tháng tai nạn giao thông đều đặn cướp đi cả ngàn mạng người. Nhưng con amip tí hon với xác suất gây bệnh cực kỳ hiếm hoi kia, lại khiến con người rúng động.
Não bộ con người, một “vùng tối ma thuật” vĩ đại với 10 tỷ tế bào (nơron) đứng trước nguy cơ bị “đánh chén” bởi loại ký sinh trùng được sản sinh từ sự biến đổi khí hậu, huỷ diệt bào mòn môi trường sống do chính con người gây ra.
Nhưng, cũng có thể đặt ra câu hỏi giả tưởng, rằng con người bây giờ có phải ai cũng có “não”, và tư duy bằng não? Hay là não, với nhiều người chỉ là một khối ù lỳ bất động, được khoác những mảnh trang sức mang tên bằng cấp, danh vị xủng xẻng bên ngoài? Những bộ não thiếu tư duy, không động đậy, hay đúng hơn là chỉ tư duy một cách máy móc, vị kỷ, bất cần biết nó tác động thế nào đến xã hội.
Các nhà khoa học khẳng định, tư duy không chỉ là sản phẩm của từng bộ não cá nhân, mà còn chịu sự tác động biến đổi từ tư duy của đồng loại gắn với quá trình tiến hoá của xã hội, để trở thành một sản phẩm có tính xã hội. Bởi vậy nhân loại thường xuyên phải dùng chính thực tiễn để kiểm tra, kiểm nghiệm tính đúng đắn của tư duy.
Chúng ta vẫn thường nghe khen ngợi về “chủ trương, chính sách được lòng dân” ở một vài nơi nào đó. Thực ra, ở đây dân không phải là người “được” theo nghĩa cầu cạnh, chịu ơn, mà người dân nghiễm nhiên phải là đối tượng hướng đến đầu tiên, tiên quyết từ chính tư duy của những người soạn thảo, ban hành chủ trương, chính sách. Quyền lợi của người dân luôn là một tiên đề.
Vậy thì biết gọi thứ “tư duy” này là gì, khi tìm cách đánh thuế thu nhập cả những đứa bé còn đang trong bụng mẹ? Khi kinh tế xuống dốc, quốc khố khó khăn, dân tình đói kém, than van thiếu bệnh viện, trường học, cơm ăn áo mặc thì ai đó vẫn quyết đổ ra cả ngàn tỷ đồng để xây công trình không thực sự cấp thiết? Khi một nhà khoa học nhìn cảnh dân đen nhốn nháo hoảng loạn dưới chân con đập thuỷ điện khổng lồ đang rạn nứt và động đất, để buông lời, rằng dân đúng là “thiếu hiểu biết” ?!
Loại amip không ăn não, mà ăn tim ăn lương tâm, có đáng sợ không ?