Miền Bắc đang trải qua đợt nắng nóng, nền nhiệt có lúc trên 40 độ C, chỉ số tia tử ngoại (UV) ở mức từ 7 đến 9 gây hại cao đến sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là trẻ em, người có bệnh mạn tính, người già. Việc uống nước đủ và đúng trong ngày nóng càng trở nên cần thiết.
Bác sĩ Đồng Văn Thành, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết mùa hè với nền nhiệt cao khiến nhiều người mệt mỏi, khó chịu. Cơ thể phải tiết nhiều mồ hôi dẫn đến nguy cơ mất nước, mất điện giải và gây ra các rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Thông thường, mỗi người nên uống 1-1,5 lít nước, song mùa hè phải gấp đôi, tùy vào cơ địa từng người.
Với những lao động chân tay nặng nhọc nên uống 4 cốc nước mát mỗi giờ và hạn chế làm việc ngoài trời nắng từ 11 giờ đến 15 giờ. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, cần có biện pháp bảo vệ vật lý gồm mũ, kính râm, ô, khẩu trang, găng tay, tất, quần áo sậm màu và trú dưới bóng râm. Bên cạnh đó, sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30+ và thoa lại sau mỗi hai tiếng.
Trẻ nhỏ hiếu động nên để chơi ở nơi thoáng mát, bổ sung nước uống thường xuyên để trẻ không bị mất nước dẫn đến mệt mỏi, chán ăn.
Người không có bệnh tiểu đường thì uống sữa đậu nành, nước hoa quả sẽ tốt cho cơ thể trong ngày nắng nóng. Ảnh minh họa: Internet
Ở người già, các phản xạ đều giảm nên không phải ai cũng có cảm giác khát nước nên cần định sẵn một lượng nước cần uống trong ngày và uống hết để bảo vệ sức khỏe. Nhất là đối với người 60, 70 tuổi trở lên, bệnh mạch vành chiếm đến 70-80%, cơ tim lúc nào cũng thiếu máu nếu bị mất điện giải có thể xuất hiện những cơn rối loạn nhịp tim. Bệnh nếu không điều chỉnh sẽ dẫn đến cơn nhịp nhanh khiến tim ngừng đập, làm bệnh mạch vành nặng lên, thậm chí dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột tử, bác sĩ Thành khuyến cáo.
Tuy nhiên, với những bệnh nhân suy tim mà uống nhiều nước làm tăng khối lượng tuần hoàn, sẽ bị suy nặng hơn. Vì thế, người suy tim nên khống chế lượng nước đầu vào, khi nào khát thì uống. Với bệnh nhân mạch vành, huyết áp thì vẫn uống nước như thường. Người không có bệnh tiểu đường thì uống sữa đậu nành, nước hoa quả.
Còn theo ThS. BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng, khi thời tiết nắng nóng cần thường xuyên bổ sung nước, tránh để thiếu nước đến khi có biểu hiện khô miệng, nước bọt quánh. Việc uống nước cũng cần uống từ từ, không nên uống nhiều một lúc, các loại nước uống như: nước hoa quả, nước rau, nước osezol, nước có pha thêm chút muối,...
Với những bệnh nhân suy tim mà uống nhiều nước làm tăng khối lượng tuần hoàn, sẽ bị suy nặng hơn. Ảnh minh họa: Internet
Uống quá nhiều nước một lúc không tốt cho sức khỏe: nước trong cơ thể bài tiết ra ngoài, thành phần chính là nước và một số chất điện giải như natri, kali được hòa tan trong nước. Khi bổ sung nước vào cơ thể quá nhiều trong một thời gian ngắn, cảm giác khát không giảm thậm chí còn cảm giác khát hơn. Uống nước nhiều một lúc làm lượng mồ hôi bài tiết ra nhiều hơn, cơ thể càng mệt mỏi hơn vì mất quá nhiều chất điện giải. Khi uống nước càng chậm càng tốt, uống từ từ và chia nhỏ lượng nước cần uống, nó sẽ giảm cơn khát tốt hơn.
Khi khát, nhiều người chọn uống nước đá, nước lạnh nhằm giải tỏa cơn khát, giải pháp này thực sự không tốt cho sức khỏe. Khi thời tiết nóng, uống nước đá nước lạnh sẽ không tốt cho sức khỏe vì sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn so với thân nhiệt, uống nước đá dễ dẫn đến bị viêm họng, những người bị sâu răng sẽ bị đau nhức, tê buốt. Nước uống phù hợp nhất là những loại nước để ở môi trường tự nhiên, nó phù hợp với nhiệt độ cơ thể.
Chính vì vậy, để phòng tránh tình trạng thiếu nước, cần quan tâm uống đủ nước theo nhu cầu hàng ngày, đặc biệt đối với người cao tuổi và trẻ em, không nên để thiếu nước đến khi thấy khát mới uống. Trong bữa ăn hàng ngày người ta khuyên nên có 4-5 món ăn: món cơm, món chất đạm, món rau xanh, món canh và món hoa quả để cung cấp đủ dinh dưỡng và nhu cầu nước, đặc biệt là trong mùa hè.