Theo đơn thư bạn đọc

Nắn đường để làm sân tennis cho Thị ủy?

TP - UBND thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) yêu cầu đơn vị thi công thay đổi quy hoạch, “nắn” đường để mở rộng diện tích, xây dựng sân chơi tennis cho Thị ủy khiến dự án chậm tiến độ, đường không hoàn thành, ngập úng...
Việc mở rộng xây dựng sân chơi tennis trong Thị ủy Phổ Yên (khu vực tường bao và nhà tôn mái xanh) ảnh hưởng đến tiến độ dự án làm đường.

8 năm chưa hoàn thành 650m đường

Tháng 11/2011, UBND tỉnh Thái Nguyên có quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư và Trung tâm Hành chính - Kinh tế - Dịch vụ thị trấn Ba Hàng (nay là phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên). Dự án có hai khu 1, 2 với tổng diện tích 5,1ha. Dự án được giao cho Cty CP XNK Anh Thu (Cty Anh Thu) thực hiện trong năm 2011 - 2012. Sau nhiều lần điều chỉnh, đến năm 2014, khu 1 của dự án đã hoàn thành, khu 2 sau nhiều lần điều chỉnh vẫn dở dang.

Trong đó, tuyến đường nội thị chủ chốt của khu 2 dài 650m đến nay còn khoảng 100m từ nhà văn hóa tổ dân phố Ðại Phong đến Ðài Tưởng niệm liệt sỹ thị xã Phổ Yên vẫn chưa giải phóng mặt bằng. Tuy là đường nội thị nhưng đây là tuyến sẽ có vai trò rất quan trọng trong hạ tầng giao thông thị xã Phổ Yên. Bởi khi hoàn thành, tuyến đường sẽ kết nối trường học, chợ, ga tàu với đường sang khu công nghiệp Sam Sung.

Ðược biết, một phần nguyên nhân do UBND thị xã Phổ Yên yêu cầu chủ đầu tư thay đổi quy hoạch, điều chỉnh hướng đường để nhường chỗ cho việc mở rộng quy mô trụ sở Thị ủy. Cụ thể ở không gian điều chỉnh hướng đó đã xây dựng các sân tennis và cầu lông trong phần đất đã được giải phóng, quy hoạch làm đường.

Ông Nguyễn Văn Sáu, người dân thuộc tổ dân phố Ðại Phong (phường Ba Hàng) cho biết, trước đây, từ nhà ông có đường bê tông lớn đi ra. Sau khi Thị ủy mở rộng xây dựng sân tennis, đường bị chặn, gia đình không còn lối đi. “Hai, ba năm nay, đường nội thị trước mặt chưa làm, gia đình đành tự đổ đất men theo tường rào của sân bóng đi ra. Ngày mưa lớn, nước ngập hết sân vườn, đi lại khó khăn...”, ông Sáu phản ánh.

Còn ông Trần Văn Phúc, cư dân tổ dân phố Ðại Phong cho biết, gia đình có khoảng 800 m2 đất vườn nằm trong diện giải phóng mặt bằng làm đường. Tám năm trước khi có chủ trương làm đường, gia đình chấp hành và nhận tiền. “Ðến nay, đường vẫn chưa làm, cứ có mưa, nước dồn về, tràn khắp sân nhà, nước chảy, tường lở...?”, ông Phúc nêu ý kiến.

Theo phản ánh của người dân, việc giải phóng mặt bằng để làm đường chậm trễ, còn sân tennis cho Thị ủy lại nhanh chóng hoàn thành khiến người dân bức xúc và có ý kiến nhiều lần. Trong khi đó, thị xã Phổ Yên cũng chưa có Nhà văn hóa khu vui chơi thể thao cho cộng đồng (đất nhà văn hóa đã dành chỗ cho Trung tâm hội nghị, cửa hàng bán điện thoại - PV). Ngoài ra, việc nắn đường cong nội thị có nguy cơ mất an toàn giao thông.

Thiếu quyết liệt trong giải phóng mặt bằng

Tài liệu phóng viên thu thập cho thấy, tháng 11/2016, UBND thị xã Phổ Yên và chủ đầu tư đã có biên bản làm việc về điều chỉnh hướng tuyến tuyến đường để mở rộng khuôn viên Thị ủy Phổ Yên. Trao đổi với phóng viên, ông Ðỗ Hoàng Vân, Chủ tịch UBND phường Ba Hàng thừa nhận: Ý kiến của ông Sáu và người dân nêu trên là đúng. Cá nhân ông trực tiếp xuống gặp gỡ, giải thích để người dân hiểu và thông cảm. Chủ đầu tư đã khắc phục bằng cách đào rãnh tạm để thoát nước, tránh ngập úng
lâu ngày.

Về giải phóng mặt bằng, ông Vân cho biết, còn vướng hai hộ chưa thỏa thuận xong, ngoài yêu cầu được mua đất tái định cư, họ còn mong muốn diện tích đất vườn được đền bù đất theo khung giá đất thổ cư. “Do dự án kéo dài, có thời gian UBND thị xã không phê duyệt thu hồi đất. Ðến nay, chủ đầu tư tiếp tục được tỉnh gia hạn, họ sẽ chịu trách nhiệm thi công và hoàn thành trong năm nay”, ông Vân khẳng định.

Về vấn đề này, đại diện Cty Anh Thu mong muốn sớm hoàn thành dự án để quyết toán, thu hồi vốn. Ðại diện Cty này cũng xác nhận, năm 2017, UBND thị xã yêu cầu Cty thay đổi quy hoạch, điều chỉnh hướng đường đã được UBND tỉnh phê duyệt để mở rộng khuôn viên thị ủy, xây sân tennis, cầu lông (không xây trụ sở - PV). Ðại diện Cty Anh Thu cho rằng, điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho Cty mà còn làm chậm tiến độ, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong vùng dự án và gây tâm lý bất ổn cho các nhà đầu tư khác muốn đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên.