Năm năm, gần nửa vạn người bị mua bán

TP - Không chỉ phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng người... cũng trở thành “món hàng” mua bán của tội phạm. Trong 5 năm gần đây (2011-2015), các cơ quan chức năng đã khám phá trên 2.200 vụ, bắt hơn 3.300 đối tượng và tổ chức giải cứu, tiếp nhận gần 4.500 nạn nhân.
Lực lượng chức năng Việt Nam tiếp nhận các nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo công bố “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” do Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ tổ chức ngày 14/7.

Mua bán cả bào thai, nội tạng

Theo báo cáo đánh giá tình hình, kết quả trong thực hiện công tác phòng, chống mua bán người, giai đoạn 2011- 2015,  không chỉ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của loại tội phạm này , cơ quan chức năng còn phát hiện cả những vụ mua bán nam giới, trẻ sơ sinh, mua bán bào thai, mua bán nội tạng, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. 

“Có vụ ở Cần Thơ, có tới 75 công nhân nam bị lừa bán cho các chủ lò gạch, chủ khai thác mỏ ở Trung Quốc” - Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an
dẫn chứng.

Cũng theo ông Hòa, qua các vụ án đã được điều tra khám phá cho thấy, đối tượng phạm tội chủ yếu là bọn cơ hội và một số có tiền án, tiền sự về mua bán người. 

Hoặc đối tượng người nước ngoài đến Việt Nam “núp” dưới hình thức tham quan, du lịch, thực hiện các hợp đồng, dự án kinh tế rồi móc nối, cấu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia, quốc tế. 

Ngoài ra, có một số đối tượng từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác kể cả những người thân trong gia đình.

Siêu lợi nhuận...

“Thủ đoạn phổ biến của đối tượng phạm tội là lợi dụng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân hoặc sơ hở trong thực hiện chính sách pháp luật để lừa bán ra nước ngoài dưới dạng cưỡng bức lao động, cưỡng ép mại dâm, cưỡng ép kết hôn. 

Các đối tượng còn lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo và thiếu sự quan tâm của gia đình, nhà trường để tiếp cận, rủ rê, lôi kéo các em, nhất là học sinh sinh viên đi du lịch, mua sắm hoặc lao động có thu nhập cao, sau đó, đưa ra nước ngoài bán” - Thiếu tướng Nguyễn Phong Hoà nói.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, đối tượng phạm tội lợi dụng chính sách mở cửa, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, việc cấp hộ chiếu công dân và giấy thông hành qua biên giới thuận lợi, một số nước miễn thị thực nên đã tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép, sau đó, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục...

Các cơ quan chức năng đánh giá, nguyên nhân cơ bản khiến tình hình hoạt động tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, xu hướng tăng là do siêu lợi nhuận, mất cân bằng về giới, do khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, do thông thoáng trong xuất nhập cảnh; do mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân….   

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, buôn bán người mang lại mức lợi nhuận bất hợp pháp hơn 32 tỷ USDa mỗi năm. Việt Nam là nước nguồn, nước trung chuyển và nạn nhân thường bị bán sang các nước như Trung Quốc, Campuchia, Malaysia, Nga, Anh… Nạn nhân bị buôn bán nhằm cưỡng bức lao động, lao động gán nợ, hôn nhân cưỡng ép, bóc lột tình dục, lấy bộ phận cơ thể và đẻ thuê.