Nam mô a di đà...

TP - Bữa rồi ga Gôi, chị Nguyễn Thị Quỳ - Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP Thái Bình có kể thoáng qua về Sư cô Thích Diệu Đoán - cựu đội viên của đại đội 895 Tổng đội TNXP Thái Bình từng trực tiếp tham gia trận cứu hàng lịch sử ga Gôi, giờ tật bệnh đang tu ở một ngôi chùa tại Hưng Hà - Thái Bình.

> Bi tráng Ga Gôi

Sư cô Thích Diệu Đoán cùng cựu TNXP viếng Lăng Bác (Ảnh do phật tử của chùa Văn cung cấp).

Một thời son trẻ...

Muốn đến ngôi chùa ấy, nhưng những người đồng hành lại đang bận rộn xuôi Nam. Tôi gọi điện thoại cho chị Quỳ, thế là có số để liên lạc.

Hằng bao năm rồi nhưng có ai nhắc hoặc cứ nghĩ đến trận ứng cứu hàng ở ga Gôi chiều 20 - 8 - 1966 thì tự nhiên sư cô Thích Diện Đoán bật khóc. Cô Đoán cùng đồng đội lao vào những toa hàng ngùn ngụt khói bom và lửa đỏ khé. Có toa ăm ắp những chai màu trắng đựng trong các thùng gỗ đổ vỡ tung tóe bốc mùi khét lẹt tanh tưởi: Thuốc trừ sâu .

Bạch thày, thày có được khỏe không ạ? Thưa, ông là ai? Chất giọng nhỏ nhẹ trong trẻo khiến liên tưởng đến vóc dáng nhẹ nhõm thanh thoát của một nhà tu hành... Đầu dây bên kia, nhà sư khá mặn chuyện.

Chắp nối lại cuộc điện thoại lúc được lúc mất, tôi hình dung cô gái làng Hồng Minh, Hưng Hà Bùi Thị Đoán tuổi 16. Đang học lớp 7, cô cùng hai bạn trai trong thôn làm đơn xin đi học trường Hàng hải. Hôm nộp đơn trên huyện đợi kết quả, cô khóc sưng cả mắt khi biết người ta không tuyển nữ.

Tiễn bạn lên đường đi học Hàng hải, cô trở về... Nhưng Đoán không buồn được lâu. Trong khí thế cả nước lên đường hướng về mặt trận, Đoán xin bố mẹ cho đi TNXP. Thấp bé nhẹ cân, Đoán phải là nhờ một cô bạn tuyển hộ. Rồi cũng lọt. Cuối năm 1965, cô được toại nguyện.

Tổng đội TNXP Thái Bình trong thời điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ phải đảm bảo tuyến đường sắt, đường thủy thông suốt trong đó trọng điểm là ga Gôi. Không nhớ bao nhiêu lần đơn vị của Đoán đương đêm phải thức hõm mắt để khẩn trương xẻ bờ sông Đáy làm âu chuyền âu tàu cho phà cho tàu vận tải trú ngụ tránh máy bay Mỹ. Có lần đơn vị cô được điều chuyển cấp tốc vào tận Hàm Rồng - Thanh Hóa để đảm bảo giao thông san lấp hố bom.

... Chất giọng nhỏ nhẹ như thoắt nằng nặng thành nghẹn ngào. Sư thày nói hằng bao năm rồi nhưng có ai nhắc hoặc cứ nghĩ đến trận ứng cứu hàng ở ga Gôi chiều 20 - 8 - 1966 thì tự nhiên bật khóc.

Cô cùng đồng đội lao vào những toa hàng ngùn ngụt khói bom và lửa đỏ khé. Có toa ăm ắp những chai màu trắng đựng trong các thùng gỗ đổ vỡ tung tóe bốc mùi khét lẹt tanh tưởi. Thuốc trừ sâu chúng mày ạ. Đoán nghe loáng thoáng...

Nhưng cái mùi hao hao đang bốc lên nồng nặc từ mấy toa hàng không phải dạng bột mà là dạng nước. Không cần biết! Chắc cũng là loại thuốc trừ sâu mà thôi. Hàng chục năm sau đôi hồi mới nghĩ như thế chứ khi đó cứ phải lao vào cứu cái đã.

Và chụp ảnh lưu niệm với bà Trương Mỹ Hoa trong một hội nghị điển hình cựu TNXP.

Trên vai các cô gái TNXP C895 là những thùng gỗ đựng thứ hóa chất dạng lỏng cứ thi nhau kìn kìn chuyển ra ngoài. Một toa bốc cháy. Thứ nước nồng nặc kia, lạ thế cũng bắt lửa theo. Trong tay ai có gì dập nấy. Chiếu, bao tải, có người cởi cả áo. Đang dập, Đoán thấy sa sẩm mặt mày, choáng váng. Bên cô, nhiều người cũng loạng choạng. Đoán thoáng thấy chị Mùi đang làm hô hấp nhân tạo cho đồng đội bỗng gục xuống. Cơn hốt hoảng buồn nôn khiến cô trượt ngã và đùng cái, mấy chai thuốc vỡ tung tóe và thứ chất lỏng kia trùm ngay lên mặt lên đầu. Trời đất quay cuồng, Đoán không còn biết gì nữa.

Khi tỉnh lại, Đoán thấy mình đang nằm trên giường. Đầu óc vẫn chao đảo quay cuồng. Người ta cho cô biết đây là Hà Nội. Cô đang nằm ở bệnh viện Đường sắt. Như vậy Đoán đã ngất đi lâu lắm. Gần một đêm với nửa ngày. Từ Gôi lên đây Đoán không hề biết gì. Không hề biết hậu họa của thứ nước có mùi nhang nhác như thuốc trừ sâu đổ trùm lên đầu cô lúc ấy.

Ba tháng trời nằm liệt rồi cô cũng nhúc nhắc đi lại được. Tai vẫn ù. Mắt vẫn mờ. Năm 1969, Đoán không đủ sức khỏe phục vụ trong đội hình TNXP, được chuyển ngành về Bệnh viện Việt – Bun, Thái Bình. Hai tai cô tự dưng cứ ù đặc gần như điếc. Người ta bảo mang cháo cho bệnh nhân cô lại đem áo quần đi giặt. Lại thêm chứng lở ngứa khắp người thi thoảng phát ra.

Một đêm lạnh Đoán trực. Mất điện. Đoán xách đèn bão qua phòng khoa ngoại nghe tiếng trẻ khóc xa xả. Một bệnh nhân hốt hoảng gọi Đoán lại. Trong ánh đèn bão vàng vọt một hài nhi bọc tùm hum trong đống tã rách. Người ta cho biết, một người mẹ trẻ hồi tối bế đứa trẻ len lén qua đây, bỏ lại đứa con trai đỏ hỏn mới sinh.

Trong lúc bao nhiêu người quýnh quáng hốt hoảng kể cả lãnh đạo bệnh viện nhưng trong Đoán tự dưng bùng lên một quyết định mãnh liệt: Đứa bé trai này sẽ là con của Đoán! Thủ tục khi ấy nhận con nuôi bao nhiêu khê rắc rối, người ta dọa đuổi. Rồi Đoán cũng làm được giấy khai sinh cho con lấy họ mình đặt tên là Bùi Văn Tuấn. Nhọc nhằn bế đứa con nuôi đỏ hỏn đi xin sữa, thiếu sữa thì lấy nước cơm. Nhưng số phận không cho Đoán làm mẹ, dẫu là mẹ nuôi. Hơn 2 tháng sau đứa bé mất vì một trận ốm. Tấm giấy khai sinh Đoán cất kỹ dưới đáy hòm...

Những năm 1980, lãnh đạo Bệnh viện Thái Bình chừng như chả mấy mặn mà gì với cô nhân viên hộ lý nghễnh ngãng ốm đau liên miên. Lại đang phong trào giảm biên chế. Người ta gợi ý... Đoán xin về. Phụ cấp ít ỏi không đủ chi dùng thuốc men và những lần đi viện.

Bố mẹ cô thương con nhưng chẳng biết làm sao. Thương nữa là tuổi Đoán mỗi ngày mỗi lớn. Bằng trang lứa hết thảy đã có chồng con gia đình. Mẹ cô bật khóc khi thấy Đoán ốm o bệnh tật, giải khuây bằng cách thi thoảng lại tìm cách lên ngôi chùa làng náu thật lâu ở đó.

Thời gian đó bệnh trạng bạch thày ra sao ạ? Bệnh ư? Khắp người từng đám loang lổ như đồng xu đỏ ửng rất ngứa. Bắt rét thì chỗ loang lổ ấy tự dưng đen sì. Cứ dăm ba bữa lại lên cơn động kinh, đầu óc quay cuồng sùi bọt mép rồi nằm vật ra bất cứ chỗ nào.

Theo Phật vào chùa

Khi bố mẹ Đoán đã quy tiên, cô làm đơn gửi Mặt trận Tổ quốc huyện Hưng Hà xin được nương nhờ một ngôi chùa nào đó trong huyện. Thế là cô được gửi vào chùa Văn này. Chùa khi đó tuềnh toàng, dột nát tứ tung.

Sư cụ tuổi đã cao lại ốm đau phải nằm liệt một chỗ. Mặc dù sức yếu nhưng Đoán cố gắng chăm nom thuốc thang cơm cháo hầu hạ người. Được 8 năm thì sư cụ viên tịch.

“Lúc nào được thong thả, mời các ông vãn chùa chơi. Bây giờ thì cảnh chùa đã khác. Cũng nhờ Giời Phật thương, phần thập phương cúng giường, phần nhờ các nhà hảo tâm. Gian chùa chính cũng như nhà tổ, nơi ở đã được sửa sang. Khuôn viên nhà chùa rộng 957 mét vuông được cải tạo. Chưa to nhớn quy mô gì nhưng được cái không còn dột nát. Cây ăn quả được trồng nhiều trông cũng mát mắt ông ạ”.

Bạch thày, sức khỏe dạo này ra sao ạ? Hồi nãy ông gọi điện thoại, tôi tìm cây gậy mãi mới đứng lên được. Dạo này một bên chân cứ tê bại đi đứng khó khăn lắm. Tệ nhất là hai tai. Lắm lúc cứ ù ù như xay lúa. Thi thoảng lại nhức buốt, chảy nước. Mấy tháng trước tôi phải đi điều trị hết bệnh viện Ấp Dâu, Hưng Yên rồi người ta chuyển lên Hà Nội. Chỉ đơ đỡ chứ chẳng khỏi được.

Bạch thày có sổ bảo hiểm y tế chứ ạ? Nói đến sổ bảo hiểm mà buồn. Không hiểu có trục trặc gì đó giữa ngày sinh giữa sổ bảo hiểm và chứng minh thư nên người ta không thanh toán. Tôi lại phải đi mượn tiền trên đó để giả cho bệnh viện thì mới được về.

Bạch thày, tuổi cao lại bệnh trọng ai đỡ đần lúc đêm hôm đau ốm? À tôi có chú tiểu đấy. Nói vui vậy thôi. Số là con ông Sửu người làng, ông Sửu trước đây cũng đi TNXP bị di chứng chất độc hóa học sinh con cứ ngơ ngơ. Tôi đón cháu lên chùa năm cháu 18 tuổi, nay cháu đã 36. Ơn giời Phật sức khỏe trí khôn cháu cũng tàm tạm nên đỡ đần tôi được ối việc.

Xin lỗi, hiện thày có được hưởng chế độ chính sách gì không? Không có gì đâu ông ạ. Trừ những ngày lễ tết như dịp 27-7 chẳng hạn, huyện, tỉnh có tặng quà thăm hỏi. Các ông bà trong Hội cựu TNXP cũng có đến tặng quà, gọi điện hỏi thăm. Họ cho biết đang cố đề nghị cấp trên để đảm bảo chế độ chính sách cho các cựu TNXP.

Dạo này bạch thày có vân du đâu xa? Đi đứng lẩy bẩy thế này đi đâu xa được. Cũng từng dự hội nghị tôn vinh cựu nữ TNXP ở Hà Nội. Rồi làm chủ trì lễ cầu siêu cho đồng đội tôi hy sinh ở ga Gôi. Rồi dẫn đoàn đại biểu của huyện nhà đi viếng hương ở ga Gôi và thăm lại nơi 13 liệt sĩ TNXP Thái Bình hy sinh ở Núi Nấp Thanh Hóa, được dự lễ cầu siêu cho họ. Cũng khuây khỏa phần nào. A di đà phật, thôi đành khất ông dịp khác nhá. Cái chân bữa nay đau quá...

Sắp tiết Xá tội vong nhân

Theo Báo giấy