Năm lá quốc thư

TP - Năm lá quốc thư, tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, là tiểu thuyết đầu tiên viết về ngành ngoại giao thời hiện đại. NXB Trẻ ấn hành 2019.

1. Năm lá quốc thư là hình ảnh ẩn dụ về năm vị đại sứ thuộc các thế hệ khác nhau. Kết nối năm bức chân dung ấy là nhân vật hai người con gái: “Nàng”, từng là một nhà ngoại giao trẻ Việt Nam. Và Roza, một cô gái Trung Á bị kẹt giữa chiến tranh và xung đột giữa các lực lượng đối địch.
Hai cô gái đều là nạn nhân: Nàng từng bị trù dập, bị vu khống, để rồi khi đối diện với những thủ đoạn thâm độc tàn ác, Nàng dường như bị tước đoạt mất niềm tin, không còn là một cô gái hồn nhiên và đầy hoài bão. Để bắt kẻ từng gây ác với mình phải trả giá, Nàng có ý định cướp lấy lá quốc thư của hắn như một ẩn dụ về việc không thể đặt niềm tin của đất nước vào sai chỗ. Nhưng rồi trong cơn biến loạn của chiến tranh ở đất nước Trung Á nọ, ở Nàng vẫn còn nguyên vẹn tình yêu thương đồng bào, đồng hương. Dồn tâm sức vào việc giải cứu và sơ tán những người lao động bơ vơ, Nàng không chỉ quan tâm đến mạng sống của những con người ấy mà cả đến việc giải tỏa tinh thần nặng nề cho họ.
Còn Roza, cô gái bị kẹt lại giữa những cuộc đảo chính nối tiếp nhau, tưởng như không còn cơ hội rời bỏ đất nước để sang châu Âu đoàn tụ gia đình. Trong những tình huống hiểm nghèo và li kỳ, cô đã được một nhà ngoại giao trẻ của Việt Nam cứu giúp, sau đó nhiều năm còn được anh giúp đỡ kết nối cô với gia đình ở trời Âu. Và ở cái kết của tiểu thuyết, hai cô gái vốn là nạn nhân này đã cùng xuất hiện trong một bối cảnh ấm áp tình người, truyền cảm hứng cho người đọc.
2. Năm bức chân dung, năm nhà ngoại giao mang theo ủy nhiệm thư của đất nước mình. Ba chân dung thật bi hài (mà không chỉ có ba) về những con người non yếu năng lực và trình độ, hoặc có trình độ thì đầy tham vọng vật chất, yếu kém về xử thế với bên trong và bên ngoài. Nội dung lá quốc thư được lặp lại ba lần, theo một công thức ngôn ngữ tiếng Anh cầu kỳ bóng bẩy theo kiểu “một công dân ưu tú của đất nước”, “phẩm chất cá nhân và năng lực của vị đại sứ khiến cho tôi hoàn toàn tin tưởng”… Vì những lý do nào đó, họ có thể nhận được sự ủy nhiệm để đi làm đối ngoại, nhưng sự trớ trêu bật ra từ những tình huống và biến cố cho thấy thực chất trái ngược với danh nghĩa.
Như một sự đối trọng, tác giả đồng thời vẽ lên hai bức chân dung của hai nhà ngoại giao khác (cũng không chỉ có hai). Một cựu chiến binh trở thành nhà ngoại giao, biết xử lý tình huống khôn khéo, tình lý phân minh, cả trong đàm phán đối ngoại lẫn trong những vấn đề tổ chức nội bộ. Người đọc được truyền cảm hứng tin tưởng và hy vọng vào những con người như thế. Công tác bảo hộ công dân ta trong biến động chiến tranh ở nước ngoài đã làm nổi bật lên tinh thần trách nhiệm và lòng nhân ái thiện lương vẫn còn trong những bậc chính nhân. Và vị đại sứ thứ năm, người đã từng soi qua cuộc đời của bốn vị đi trước (ba chân dung bi hài và một tấm gương chân chính), Anh đã mang theo lá quốc thư của riêng mình. Lần này ngôn ngữ quốc thư đã thay đổi, không còn cầu kỳ hoa mỹ như trước, nhưng người mang theo nó chắc chắn sẽ xứng đáng với niềm tin của đất nước.
3. Cách đây 30 năm khi công tác tại cơ quan đại diện của Thông tấn xã Việt Nam ở Ấn Độ, tôi đã nghe nhà ngoại giao trẻ Hồ Anh Thái nói về dự định viết một cuốn tiểu thuyết về ngành ngoại giao. Ba thập kỷ sau đó, anh đã đi khắp Âu - Mỹ, đặc biệt là vùng Tây Á, Trung Á và Nam Á đầy biến động và bây giờ tiểu thuyết Năm lá quốc thư đã ra mắt. Văn học sử Việt Nam chắc phải ghi nhận vài dấu mốc của Hồ Anh Thái: anh là tác giả cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên về thời đại của Đức Phật (Đức Phật, nàng Savitri và tôi, 2007). Tất nhiên trước đó đã có một số tác phẩm tiếng Việt viết về Phật nhưng mới dừng ở mức những câu chuyện kể dựa theo kinh Phật, còn thiếu tính hư cấu và tưởng tượng hoành tráng của thể loại fiction. Và bây giờ, Năm lá quốc thư là “cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về các nhà ngoại giao Việt Nam thời hiện đại”. Rồi các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục giải mã nhiều thông điệp của cuốn sách cấu trúc theo kiểu kính vạn hoa này. Chẳng hạn, chỉ trừ vài nhân vật nước ngoài có tên như Roza, Hossen, các nhân vật người Việt đều không có tên. Không danh tính cụ thể, nhưng năm nhân vật chính cùng hàng chục nhân vật phụ đều hiện lên sắc nét, sống động, gây ấn tượng mạnh, vừa hài hước vừa nghiêm trang. Không chỉ bó hẹp trong hình ảnh một ngành đối ngoại mà đây chính là bức tranh toàn cảnh bao quát về đất nước đang cần nhiều nỗ lực cải thiện để hòa nhập với thời đại.

Cách đây 30 năm tôi đã nghe nhà ngoại giao trẻ Hồ Anh Thái nói về dự định viết tiểu thuyết về ngành ngoại giao. Không chỉ bó hẹp trong hình ảnh một ngành đối ngoại, Năm lá quốc thư là bức tranh toàn cảnh bao quát về đất nước đang cần nhiều nỗ lực cải thiện để hòa nhập với thời đại.