Trong bối cảnh cơ cấu ngành dệt may Việt Nam hiện vẫn còn mất cân đối giữa các công đoạn sản xuất, dệt và nhuộm vẫn là nút thắt trong nhiều năm qua, Nam Định đang triển khai nhiều giải pháp để thu hút các doanh nghiệp dệt may, nhất là các doanh nghiệp ở công đoạn dệt nhuộm, sản xuất vải nhằm hướng tới đưa Nam Định trở thành trung tâm dệt may của miền Bắc, đóng góp chung cho sự phát triển ổn định của ngành dệt may Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Liên quan đến kết quả thu hút các dự án dệt may trên địa bàn tỉnh, có thể kể đến dự án sản xuất sợi và dệt nhuộm với tổng vốn đầu tư 9 triệu USD tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông của nhà đầu tư Jinnor (Hong Kong - Trung Quốc) Limited được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào đầu tháng 7/2024. Hiện tại, nhà đầu tư đang tích cực thúc đẩy tiến độ các phần việc liên quan để tháng 10/2025 có thể hoàn tất xây dựng, đưa nhà máy vào sản xuất với tổng sản lượng sản xuất bình quân một năm đạt gần 50 triệu m2 các loại vải cao cấp như sợi cotton, poly, nylon, viscose, tencel.
Tháng 2/2024 vừa qua, nhà đầu tư Crystal Denim Textiles (BVI) Limited thuộc Tập đoàn Crystal, Hồng Kông (Trung Quốc) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án YI DA DENIM MILL (VN) CO., LTD sản xuất các sản phẩm dệt may tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông với tổng vốn đầu tư 1.467 tỷ đồng (tương đương 60 triệu USD).
Dự án được đầu tư làm 3 giai đoạn, với tổng công suất dự kiến đạt 55 triệu m2 vải có nhuộm, 5 triệu m2 vải không nhuộm và 20 triệu sản phẩm quần áo. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoàn tất đầu tư và chính thức vận hành sản xuất từ quý III/2026. Theo đại diện Tập đoàn Crystal, tại phân kỳ nối tiếp của dự án, tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống nhà máy may quần bò, nâng tổng vốn đầu tư đạt gần 200 triệu USD.
Bên cạnh đó còn có các dự án như: Nhà máy nhuộm không nước Jehong Textile Enunic do Công ty TNHH Jehong Textile Việt Nam thuộc Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư với tổng vốn hơn 6 triệu USD sản xuất vải dệt thoi và nhuộm vải hoàn tất, công suất trung bình 16,5 triệu m/năm (tương đương trên 23 nghìn m2), trong đó nhuộm vải cotton công suất 9,9 triệu m/năm và nhuộm vải polyester công suất 6,6 triệu m/năm. Một dự án khác là của Sanbang Pte. Ltd (Singapore), tổng vốn đầu tư gần 30 triệu USD sản xuất các loại khăn, vải dệt, sợi DTY với công suất dự kiến mỗi năm đạt 15 nghìn tấn khăn, 14 triệu mét vải dệt, 15 nghìn tấn sợi DTY...
Mới đây nhất, ngày 13/7, Công ty TNHH Top Textiles, thuộc Tập đoàn Toray (Nhật Bản) đã khánh thành, đưa nhà máy sản xuất vải Top Textiles công suất 60 triệu mét vải/năm tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) vào hoạt động, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho khoảng 1.800 lao động tại địa phương và các vùng lân cận. Với công suất vận hành 60 triệu mét vải/năm của Công ty TNHH Top Textiles ở giai đoạn hiện nay đã gấp 4 lần công suất sản xuất vải của toàn tỉnh (công suất của tỉnh hiện nay là gần 15 triệu mét vải/năm).
Theo lộ trình đã đăng ký, Công ty TNHH Top Textiles tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, dự kiến hoàn thành trong năm 2025, nâng tổng công suất sản xuất đạt 120 triệu mét vải/năm. Ông Kyuichi Fukumoto, Giám đốc Tập đoàn Dệt Pacific, đồng thời là Chủ tịch Công ty TNHH Top Textiles cho biết, công ty đã chủ động đầu tư nhà máy xử lý nước thải có đầu ra đạt chuẩn cột A, QCVN 40: 2011/BTNMT (là tiêu chuẩn cao nhất tại Việt Nam về nước thải công nghiệp); lắp đặt hệ thống xử lý khí thải để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe cao hơn cả yêu cầu đã đặt ra của ngành công nghiệp Việt Nam.
Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, dự án của Công ty TNHH Top Textiles tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông là một trong những nhà máy dệt kim lớn nhất miền Bắc Việt Nam, sử dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất bao gồm các khâu dệt, nhuộm và hoàn thiện, sản xuất đa dạng các mặt hàng sản phẩm dệt may chất lượng cao. Dự án được khánh thành đưa vào hoạt động chỉ trong vòng hơn 30 tháng triển khai thực hiện cho thấy bên cạnh sự nỗ lực của nhà đầu tư, các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh Nam Định đã quyết liệt hỗ trợ, tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng, lắp đặt, vận hành thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất.
“Kết quả này là minh chứng tích cực cho năng lực của tỉnh có thể sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của các tập đoàn, doanh nghiệp quy mô lớn trên toàn cầu, trong đó có các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may”, ông Dũng nói.
Điểm nhấn rõ nét nhất về năng lực sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của nhóm các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may của Nam Định phải kể đến việc tỉnh đã chủ động quy hoạch, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Aurora IP) trên tổng diện tích gần 2.200ha theo hướng xây dựng một khu công nghiệp dệt may thông minh - sinh thái, khép kín quá trình sản xuất, tạo chuỗi giá trị gia tăng cao cho ngành dệt may.
Trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đặc biệt chú ý đáp ứng đầy đủ các yếu tố, quy chuẩn để các nhà đầu tư thứ cấp xây dựng các nhà máy hạ tầng kỹ thuật cao, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của khâu dệt nhuộm.
Việc chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng khu công nghiệp theo cấu trúc chuỗi giá trị dệt may bền vững, phát thải carbon thấp và kiên quyết chỉ thu hút, cấp phép đầu tư đối với các dự án sử dụng công nghệ xử lý hiện đại, không tác động xấu đến môi trường cho thấy Nam Định đã chủ động phương án thúc đẩy phát triển ngành dệt may phù hợp với Chiến lược phát triển ngành thời trang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 (trong đó định hướng ngành dệt may Việt Nam từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước, tham gia vào vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu và xây dựng được thương hiệu riêng của Việt Nam để xuất khẩu.