Sáng 28/12, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Định hướng nhiệm vụ năm 2024 về hạ tầng giao thông, Bộ GTVT đặt mục tiêu, phấn đấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như: TPHCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Cũng trong năm mới sắp tới, Bộ GTVT dự kiến khởi công 19 dự án giao thông lớn, gồm 3 dự án đường cao tốc: Dầu Giây - Tân Phú, Chợ Mới - Bắc Kạn; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
Có 16 dự án giao thông khác cũng được khởi công trong năm tới, như: Đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận, Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; Cao Lãnh - An Hữu; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 2, Quốc lộ 46, Quốc lộ 4B, Quốc lộ 53, Quốc lộ 62…
Bộ GTVT phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thành hồ sơ để khởi công 11 dự án đường cao tốc liên vùng được phân cấp cho địa phương làm chủ đầu tư, gồm: Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Lạng Sơn - Cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Ninh Bình - Hải Phòng, TPHCM - Chơn Thành, Gia Nghĩa - Chơn Thành, TPHCM - Mộc Bài, Hòa Bình - Mộc Châu…
Trong năm 2024, Bộ GTVT cũng dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác 24 dự án giao thông, như: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Tuyến đường bộ kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên; hoàn thành nâng cấp, mở rộng một số tuyến quốc lộ 2C, 6, 7, 8A, 12A, 20, 30, 91…; tuyến tránh TP. Cao Bằng; Dự án cải tạo đường sắt Bắc - Nam…
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2023, bộ được giao số vốn đầu tư công lớn nhất từ trước tới nay, trong đó có hơn 94.000 tỷ đồng đầu tư các dự án mới, và trên 19.900 tỷ đồng vốn bảo trì hạ tầng. Ước thực hiện hết năm tài chính, bộ sẽ giải ngân được trên 95% tổng vốn kế hoạch.
Theo ông Thắng, trong năm 2023, bộ đã thực hiện khởi công 26 dự án, trong đó có 6 dự án quan trọng quốc gia, như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (12 dự án thành phần), các tuyến cao tốc liên vùng, Vành đai 3 TPHCM, Vành đai 4 Hà Nội; nhà ga sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất… Cùng đó, ngành giao thông đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó riêng đường bộ cao tốc có 9 dự án (tổng chiều dài 475km), nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km.