> Mỹ cung cấp vũ khí cho phe đối lập
> Tổng thống Mỹ vẫn để ngỏ khả năng tấn công Syria
Phát biểu từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama nói việc Nga đề xuất đặt vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế đã mở ra khả năng tạm dừng cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria, theo AP.
“Còn quá sớm để nói rằng, đề xuất này sẽ thành công… Nhưng đề xuất này có tiềm năng loại bỏ được nguy cơ vũ khí hóa học mà không phải sử dụng đến vũ lực, đặc biệt khi Nga là một trong những đồng minh mạnh nhất của Syria”, ông Obama nói.
Ông Obama cho biết sẽ thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề Syria. Ngày 12/9, hai ngoại trưởng Mỹ và Nga sẽ gặp nhau ở Geneva để bàn luận tình hình Syria.
Mỹ và Nga đều “rắn”
Tổng thống Obama không đặt hạn cuối cùng cho giải pháp ngoại giao đối với Syria, nhưng nói rằng, bất cứ thỏa thuận nào với ông Assad cũng phải đảm bảo rằng Tổng thống Syria phải giữ lời.
“Tôi sẽ ra lệnh cho quân đội duy trì trạng thái như hiện nay, nhằm duy trì áp lực đối với ông Assad và sẵn sàng phản ứng nếu nỗ lực ngoại giao thất bại”, Tổng thống Obama khẳng định. Pháp, nước đồng minh duy nhất của Mỹ từng công khai cam kết can thiệp quân sự vào Syria, vừa thông báo lực lượng của họ vẫn trong trạng thái “được huy động”, theo CBS News.
Văn phòng Tổng thống Pháp thông báo: “Pháp vẫn sẵn sàng trừng phạt việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học và ngăn họ tái phạm”.
Tại cuộc họp Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm qua, Anh, Mỹ và Pháp khẳng định cần phải đặt ra các biện pháp trừng phạt đúng lúc, nếu Syria không thể tuân thủ bất kỳ nghị quyết nào của LHQ về vũ khí hóa học.
Mỹ nói sẽ “không rơi vào chiến thuật câu giờ”, còn Pháp cảnh báo, nếu rơi vào “bẫy” của Syria thì sẽ làm hỏng bất kỳ kế hoạch quân sự có ý nghĩa nào chống lại Syria. Pháp trình dự thảo nghị quyết chiếu theo Chương VII của Hiến chương LHQ, theo đó cho phép sử dụng vũ lực nếu Syria không tuân thủ nghĩa vụ cam kết.
Tuy nhiên, Nga phản đối việc thông qua bất kỳ nghị quyết nào chiếu theo Chương VII, và cho rằng bất kỳ dự thảo nghị quyết nào đổ trách nhiệm cho chính phủ Syria đều không thể chấp nhận được, đồng thời thúc giục đưa ra một tuyên bố không ràng buộc để ủng hộ đề xuất của Nga.
Hôm qua, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad lần đầu tiên thừa nhận họ có vũ khí hóa học, tuyên bố sẽ ký hiệp ước quốc tế về kiểm soát vũ khí hóa học và đồng ý với đề xuất của Nga là để kho vũ khí này dưới quyền giám sát và tiêu hủy của cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Alexei Pushkov ngày 11/9 phát biểu, nước này có bằng chứng cho thấy phe đối lập Syria sở hữu và nhiều lần sử dụng vũ khí hóa học, ít nhất là vào tháng 3 ở gần thành phố Aleppo, Xinhua đưa tin.
“Nga vừa chuyển bằng chứng này lên Hội đồng Bảo an LHQ”, Interfax dẫn lời ông Pushkov. Báo cáo mới nhất của Hội đồng Nhân quyền LHQ nói rằng, cả chính phủ và phe nổi dậy Syria đều phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
Tuần sau Mỹ đánh Syria?
Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, ông Obama dành nhiều thời gian thuyết phục người dân Mỹ ủng hộ kế hoạch trừng phạt Syria, nói rằng Syria phải đối mặt hậu quả sử dụng vũ khí hóa học vì hầu hết các nước trên thế giới đã cấm loại vũ khí này.
Nếu thế giới văn minh không phản ứng thì càng khiến các kẻ thù của Mỹ thêm táo tợn, “chế độ Assad sẽ không có lý do để dừng sử dụng vũ khí hóa học”, và tăng nguy cơ binh sĩ Mỹ một ngày nào đó sẽ đối mặt loại vũ khí này trên chiến trường, ông chủ Nhà Trắng nói.
Tổng thống Obama nói hành động quân sự của Mỹ sẽ ở mức hạn chế, không có chuyện gửi bộ binh tới Syria. “Đó sẽ là cuộc tấn công có chủ đích, nhằm đạt mục tiêu rõ ràng là ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học và làm suy yếu năng lực của ông Assad… Một cuộc tấn công hạn chế cũng sẽ gửi một thông điệp tới ông Assad mà không quốc gia nào có thể gửi được”, Tổng thống Obama khẳng định.
Ông chủ Nhà Trắng nói với các đảng viên đảng Dân chủ rằng, ông cần vài ngày để theo đuổi các kênh ngoại giao đối với Syria. Thượng nghị sĩ Richard Durbin nói rằng, ông Obama “không quá lạc quan” về giải pháp ngoại giao, và việc hoãn kế hoạch hành động sẽ chỉ kéo dài đến tuần sau.
Tuy nhiên, không ít người dân và chính khách Mỹ nói họ không ủng hộ việc can thiệp quân sự vào Syria. Theo kết quả thăm dò dư luận mà hãng tin CNN và đơn vị nghiên cứu thị trường ORC International thực hiện sau khi ông Obama phát biểu xong, 37% phản đối kế hoạch của ông Obama. Có tới 60% nói rằng, việc Washington can thiệp vào nội chiến Syria không đem lại lợi ích quốc gia cho Mỹ.
Nếu sắp tới, Quốc hội Mỹ bác bỏ kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria của Tổng thống thì ông Obama với tư cách Tổng tư lệnh quân đội Mỹ vẫn có thể phát lệnh tấn công nước này, nhiều nhà phân tích nhận định.
Mỹ đã bắt đầu cung cấp một số loại vũ khí cho lực lượng nổi dậy ở Syria, Voice of Russia ngày 11/9 dẫn lời đại diện của Liên minh Quốc gia các lực lượng đối lập Syria (NKORS) Khalid Saleh tuyên bố tại cuộc họp báo ở Washington. Ông Saleh nói rằng, phái đoàn của ông đã thuyết phục được Mỹ rằng, vũ khí “sẽ không rơi vào tay kẻ xấu”. Voice of Russia cũng đưa tin, tàu đổ bộ cỡ lớn Nikolai Phylchenkov thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga với lô hàng dành cho Syria đã đi về phía bờ biển nước này. Khu vực đông Địa Trung Hải sẽ đón tuần dương hạm tên lửa Mátxcơva vào tuần tới, tàu tuần phòng-tên lửa Ivanovets và tàu tên lửa cỡ nhỏ Shtil vào cuối tháng này.
TRÚC QUỲNH
Tổng hợp