Mỹ -Trung chơi trò đổ lỗi, nguy cơ đàm phán sụp đổ

TPO - Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã biến trành trò đổ lỗi khi hai bên cáo buộc nhau đi lùi, đẩy nguy cơ đối thoại đến bờ vực sụp đổ.
Trung Quốc tuyên bố dừng mua nông sản Mỹ sau khi bị Mỹ gắn nhãn thao túng tiền tệ. (Ảnh: SCMP)

Theo các nhà quan sát, chiến lược của Trung Quốc trong ứng xử với Mỹ đã thay đổi sau khi Washington đưa ra đe doạ tăng thuế mới nhất, sau cuộc đàm phán mờ nhạt vừa diễn ra ở Thượng Hải. Bắc Kinh đã mất hy vọng vào Tổng thống Mỹ Donald Trump và đang tìm cách lái hướng dư luận quốc tế theo có lợi cho mình.

Đợt đàm phán vừa được nối lại ở Thượng Hải vào tuần trước kết thúc mà không có kết quả đáng kể nào, nhưng Trung Quốc nói họ “muốn xây dựng” và sẽ mua thêm nông sản Mỹ dựa trên nhu cầu trong nước. Hai bên đồng ý gặp lại tại Mỹ vào tháng tới.

Nhưng bất kỳ hy vọng nào về một giải pháp nhanh chóng cho cuộc chiến thương mại đã lu mờ sau khi ông Trump nói sẽ áp 10% lên lượng hàng hoá trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc, vì Trung Quốc không mua nông sản Mỹ.

Bắc Kinh đã đáp trả. Ông Cong Liang, Chủ tịch Uỷ ban cải cách và phát triển quốc gia, nói rằng việc Mỹ tố họ không mua nông sản là “lời cáo buộc không có cơ sở”.

Ông Cong nói rằng cho đến cuối tuần trước, Trung Quốc đã hoàn thành việc mua 130.000 tấn đậu nành, 120.000 tấn lúa miến, 75.000 tấn cỏ khô, 60.000 tấn bột mỳ, 40.000 tấn thịt lợn và những nông sản khác.

Các công ty từ hai nước đã ký những thoả thuận giao dịch 14.000 tấn đậu nành. Tổng tố 300.000 tấn đậu nành sẽ được giao đến trong tháng 9 này, ông Cong nói.

Sau cáo buộc của Mỹ, Trung Quốc hôm 6/8 dừng ngay lập tức việc mua mới nông sản Mỹ, cáo buộc Washington vi phạm thoả thuận giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được vào tháng 6 vừa qua, và Mỹ chính thức coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.

Ông Shi Yinhong, giáo sư về các vấn đề Mỹ tại ĐH Nhân dân Trung Quốc, nói rằng chiến lược đổ lỗi cho ông Tập đúng là phong cách của ông Trump, nhưng Bắc Kinh nhận ra rằng họ cũng phải giương ăng-ten bằng cách nói ra cái lý của mình.

“Tôi đoán rằng Chủ tịch Tập thất vọng, thậm chí giận dữ. Nên không lâu sau khi hai bên khôi phục đàm phán ở Thượng Hải, ông Trump đưa ra bước leo thang lớn. Tôi nghĩ đó là giọt nước làm tràn ly”, ông Shi nói.

Dừng mua nông sản Mỹ cho thấy mức độ Trung Quốc giận dữ trước bước đi của Trump, ông Shi nhận định.

“Huỷ cam kết mua nông sản Mỹ là hành động rất đáng kể, đảo ngược lại thoả thuận trước đây”, ông Shi nói.

Chuyên gia này cho rằng hai bên đang cực kỳ giận dữ với nhau. Cuộc chiến thương mại này sẽ không chỉ kéo dài mà còn leo thang”, GS Shi nhận định.

Bắc Kinh cũng đáp trả cáo buộc khác của ông Trump, rằng Trung Quốc đã không ngăn chặn hoạt động bán chất giảm đau fentanyl sang Mỹ. Hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua đăng một bài xã luận vào Chủ nhật vừa qua nói rằng đây là “lời vu khống trắng trợn”, rằng Trung Quốc đã có “những nỗ lực chưa từng có” nhằm tăng cường kiểm soát sản xuất chất fentanyl và rằng Mỹ chỉ có thể “tự đổ lỗi cho mình” vì cuộc khủng hoảng chất này.

Ông Liu Yuejin, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm soát chất gây nghiện quốc gia, nói trên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cuối tuần qua rằng “trên thực tế, so với tình trạng Mỹ kiểm soát các thành phần fentanyl, Trung Quốc có quy định chặt chẽ hơn nhiều”.

Trong khi đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc thẳng thừng phản bác việc bị Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ, ngược lại còn cáo buộc Mỹ tiến hành những hành động bảo hộ đơn phương, đi ngược lại quy tắc quốc tế và ảnh hưởng tiêu cực lên kinh tế toàn cầu.

Theo ông Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương tại ĐH Lĩnh Nam ở Hong Kong, giữa bối cảnh mâu thuẫn hiẹn nay, cả hai bên đều đang cố gắng khẳng định mình là một bên có trách nhiệm.

“Họ hiểu rằng kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi kết quả đàm phán và cả hai bên đều không muốn bị coi là thủ phạm gây suy thoái kinh tế toàn cầu”, ông Zhang nói.

Chuyên gia này cho rằng dù Bắc Kinh và Washington bất đồng ra mặt, nhưng họ không đưa ra nhiều thông tin cho thấy khác biệt lớn đến mức nào. 

Theo Theo SCMP