Mỹ tính đổ quân triệt hạ phiến quân IS

TP - Các cố vấn quân sự của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết sẽ khuyến nghị triển khai bộ binh chống những phần tử Hồi giáo cực đoan, trong trường hợp các cuộc không kích tại Iraq tỏ ra không hiệu quả. 
Ảnh minh họa.

Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng, ông tin tưởng liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo sẽ đánh bại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và không loại trừ khả năng Tổng thống Barack Obama sẽ gửi bộ binh tới Iraq, báo Mỹ New York Times đưa tin.

Hôm 16/9, cố vấn quân sự hàng đầu của Tổng thống Barack Obama cho biết sẽ khuyến nghị triển khai bộ binh Mỹ trong các chiến dịch quân sự chống những phần tử Hồi giáo cực đoan, trong trường hợp các cuộc không kích tại Iraq tỏ ra không hiệu quả. 


Tướng Dempsey tuyên bố, lực lượng bộ binh Mỹ là cần thiết để đánh bại IS nếu chính sách hiện nay thất bại. Ông nói: “Quan điểm của tôi tại thời điểm này là liên minh đang đi đúng hướng. Nhưng nếu kế hoạch thất bại và gây ra những đe dọa đối với nước Mỹ, tôi sẽ gặp lại Tổng thống đề nghị sử dụng các lực lượng quân sự Mỹ trên bộ”. Tướng Dempsey thừa nhận phương án này đi ngược lại chính sách của Tổng thống, nhưng ông cho biết Tổng thống Obama nói sẽ xem xét lại từng trường hợp cụ thể.

Ông Obama vẫn đang tìm cách xoa dịu nỗi lo sợ về nguy cơ sa lầy vào một cuộc chiến khác tại Iraq, đã hứa sẽ không đưa bộ binh Mỹ vào chiến đấu chống phiến quân IS. Nhưng theo tướng Dempsey, thực tế về một chiến dịch kéo dài có thể buộc Mỹ phải lựa chọn cách tiếp cận như vậy, đặc biệt nếu cuộc chiến chống phiến quân lan vào các đô thị đông dân cư, nơi các cuộc không kích ít hiệu quả và gây thương vong lớn hơn cho dân thường.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest nói rằng, trách nhiệm của các cố vấn quân sự của Tổng thống là lập kế hoạch và xem xét tất cả các vấn đề đột xuất và Tổng tư lệnh tối cao (tức ông Obama) chịu trách nhiệm quyết định chính sách phù hợp. 

Trong khi đó, ông Obama đã họp với các chỉ huy quân sự tại tổng hành dinh Bộ tư lệnh trung tâm Lầu Năm Góc ở thành phố Tampa. Tổng thống Obama bổ nhiệm tướng về hưu John Allen làm đặc phái viên tại liên minh các quốc gia chống IS.

Tướng Dempsey cho rằng, thách thức sẽ tới khi lực lượng Iraq và người Kurd cố đánh bật phiến quân khủng bố ra khỏi các khu vực đô thị đông dân như Mosul. Trong trường hợp đó, tướng Dempsey cho biết sẽ đề nghị triển khai lực lượng đặc nhiệm để cung cấp điều ông gọi là “cố vấn cận chiến”. 

Lực lượng này chủ yếu hỗ trợ các tư lệnh quân đội Iraq trên chiến trường và giúp họ chỉ huy quân sĩ tấn công các mục tiêu. Tướng nghỉ hưu Paul Eaton (từng huấn luyện lực lượng an ninh Iraq, hiện là cố vấn cao cấp tại Mạng An ninh Quốc gia Mỹ) hoan nghênh đề xuất thẳng thắn của tướng Dempsey. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và tướng Dempsey đã cố gắng xua tan những lo ngại của Quốc hội Mỹ về hiệu quả của chiến dịch chống IS. Họ thông báo chiến dịch sẽ bao gồm việc huấn luyện và trang bị cho 5.000 chiến binh Syria, liên minh đã tập hợp được hơn 40 quốc gia, bao gồm 30 nước cam kết hỗ trợ quân sự. 

Cả hai ông Hagel và Dempsey đều nhấn mạnh, chiến dịch này hoàn toàn không giống cuộc đánh chiếm Iraq năm 2003. Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest nói Mỹ đang trong một cuộc chiến “giống cuộc chiến chống al-Qaeda và các nhánh của chúng”.

Trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal (Mỹ), Ngoại trưởng Úc Julie Bishop hối thúc Nga và Trung Quốc tham gia liên minh quốc tế chống IS. Úc (hiện là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc) cho rằng, nguy cơ do IS gây ra đối với an ninh toàn cầu có thể thúc đẩy Nga và Trung Quốc ít nhất là ngầm ủng hộ liên minh quốc tế chống các chiến binh thánh chiến cực đoan tại Syria và Iraq.