Mỹ sẽ tìm cách mới để hợp tác với Indonesia trên Biển Đông

TP - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua nói rằng, Washington sẽ tìm cách mới để hợp tác với Indonesia trên biển Đông, đồng thời tôn trọng những nỗ lực của Jakarta nhằm bảo vệ vùng biển của mình trong khi phản đối những yêu sách trái luật của Trung Quốc ở khu vực. 
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 29/10. Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, ông Pompeo ca ngợi “hành động dứt khoát” của Indonesia trong bảo vệ chủ quyền ở vùng biển gần quần đảo Natuna mà Trung Quốc cũng có yêu sách. Ông Pompeo nói yêu sách của Trung Quốc là “trái luật”.

“Tôi trông đợi hợp tác nhằm tìm ra cách thức để bảo vệ an ninh ở một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới”, Reuters dẫn lời ông Pompeo nói trong cuộc họp báo sau cuộc gặp người đồng cấp Indonesia.

Bà Retno nói rằng, Indonesia muốn Biển Đông “hòa bình và ổn định”, nơi luật quốc tế được tôn trọng.

Indonesia nhiều lần điều lực lượng ra xua tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc ở vùng biển Bắc Natuna.

Theo bà Retno, Indonesia và Mỹ sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng bằng cách gia tăng mua sắm, huấn luyện và diễn tập quân sự, chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác an ninh biển ở khu vực.

Dù chia sẻ quan điểm phản đối yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, giới chức Indonesia bày tỏ quan ngại về các chính sách chống Trung Quốc mạnh mẽ của Mỹ và những lời lẽ tấn công gây căng thẳng giữa hai siêu cường.

“Tôi nhấn mạnh lại sự cần thiết phải theo đuổi hợp tác bao trùm trong giai đoạn thách thức này. Tôi nhấn mạnh từng quốc gia cần tham gia vào giải pháp để có đóng góp mang tính tập thể nhằm hướng tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho thế giới”, bà Retno nói.

Đầu năm nay, Indonesia bác đề nghị của Mỹ về việc cho phép các máy bay trinh sát biển P-9 Poseidon của Mỹ hạ cánh và tiếp liệu khi thực hiện các chuyến bay giám sát hoạt động quân sự của Trung Quốc ở khu vực.

Bà Retno nói, bà đã nhắc ông Pomepo về chính sách “tự do và độc lập” của quốc gia lớn nhất Đông Nam Á này và kêu gọi tăng cường hợp tác kinh tế. Hợp tác kinh tế của Indonesia với Trung Quốc gia tăng khi Washington cân nhắc hạ cấp đối xử thương mại với Indonesia theo Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP). Quá trình đánh giá đang diễn ra và bà Retno nói với ông Pompeo rằng, quy chế GSP quan trọng với cả hai nước. “Tôi khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ đầu tư nhiều hơn vào Indonesia, bao gồm các dự án ở các đảo xa của Indonesia như đảo Natuna”, bà Retno nói.

Giới chức Indonesia cho biết, trong tháng tới, Indonesia dự kiến ký thỏa thuận thương mại RCEP - giữa các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc. Ông Pompeo thừa nhận có thiếu hụt trong quan hệ kinh tế giữa hai nước, nhưng không đưa ra cam kết nào về việc tiếp tục để Indonesia hưởng quy chế GSP.

Sau Indonesia, ông Pompeo thăm Việt Nam trong hai ngày 29 và 30/10 theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh để kỷ niệm 25 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.