Trợ lý vấn đề an ninh quốc gia Mỹ, Bolton nói với các phóng viên ở Paris: “Trong tương lai gần, Mỹ không có ý định triển khai tên lửa bị cấm ở châu Âu. Đối với Mỹ và NATO, đây là một vấn đề chiến lược toàn cầu. Chúng tôi đang đàm phán rất chặt chẽ với các đồng minh và chúng tôi rất lạc quan về một lập trường chung”. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF và cho biết Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF, ông cũng tuyên bố nước Mỹ cần phải phát triển các loại vũ khí bị hạn chế trong Hiệp ước.
Thư ký báo chí tổng thống Nga Peskov sau đó trả lời rằng, Moscow hi vọng Mỹ giải thích rõ hơn về vấn đề này và chỉ ra rằng, việc phá bỏ Hiệp ước INF sẽ buộc Nga phải có các biện pháp tự bảo vệ an ninh của mình. Ngoại trưởng Nga Lavrov nhấn mạnh: “Vấn đề này có tác dụng thì cũng sẽ có phản tác dụng”.
Hiệp ước INF có tên đầy đủ là “Hiệp ước giải trừ tên lửa tầm trung và tầm ngắn giữa Mỹ và Liên Xô” được ký vào ngày 8/12/1987 tại Washington quy định hai nước không được thử nghiệm, chế tạo và sở hữu tên lửa tầm ngắn 500-1000km và tên lửa tầm trung 1000-5500km, bao gồm tên lửa mang đầu đạn thường và đầu đạn hạt nhân được phóng từ đất liền. Mỹ và Nga trong vài năm trở lại đây thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm Hiệp ước.