Mỹ phát triển robot tự động phát hiện mìn chôn dưới đất

Robot mới sử dụng hệ thống cảm biến Ground Eye có thể phát hiện chính xác mìn, vật liệu nổ tự chế chôn dưới đất.
Robot Ground Eye giới thiệu tại triển lãm Eurosatory 2016. Ảnh: Defence Update

Trong khuôn khổ triển lãm quân sự Eurosatory 2016 diễn ra từ ngày 13-17/6 tại Pháp, tập đoàn Raytheon, chi nhánh ở Anh phối hợp với công ty Milrem của Estonia giới thiệu một loại robot dò mìn đặc biệt. Robot mới sử dụng hệ thống cảm biến dò tìm vật liệu nổ Ground Eye gắn trên xe không người lái (UGV) Themis do Estonia phát triển.

Theo Defence Update, bộ cảm biến chứa 2 cụm đèn chiếu laser đặc biệt, một camera chuyên dụng để chụp ảnh xuyên qua mặt đất. Cảm biến có thể chụp ảnh thời gian thực và hiển thị hình dạng, kích thước cũng như định hướng mối đe dọa từ các loại mìn, vật liệu nổ tự chế (IED) chôn dưới đất.

Ground Eye kết hợp nhiều giải pháp công nghệ với phạm vi tìm kiếm rộng hơn để phát hiện, xác nhận và chẩn đoán sự tồn tại về vật thể nghi IED trên một khu vực rộng lớn. Ground Eye có cấu hình gọn nhẹ trong khi hiệu suất phát hiện cao hơn so với các thiết bị dò mìn cầm tay.

Robot hoạt động trên cơ chế chụp ảnh nên có thể phát hiện cả những đối tượng phi kim loại mà các loại máy dò ứng dụng công nghệ sóng vô tuyến không phát hiện được. Ground Eys có thể hoạt động liên tục trong 10 giờ.

Cận cảnh bộ cảm biến Ground Eye lắp trên xe không người lái Themis. Ảnh: Defence Update

Andy Gibson – người đứng đầu Hệ thống Mặt đất của Raytheon nói: “Ground Eye cung cấp một giải pháp hiệu quả trong hoạt động rà phá bom mìn. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm giảm thiểu nguy cơ vướng mìn hoặc buộc phải gỡ bỏ trong những tình huống không cần thiết”.

Các loại máy dò bom mìn trước đây sử dụng cơ chế sóng radar thường phải để ăng ten sát mặt đất nên hiệu quả phát hiện không cao, dễ bỏ sót, tốn nhiều thời gian để dò tìm trên khu vực rộng lớn. Mặt khác, công nghệ sóng radar dễ phát hiện nhầm các vật thể bằng kim loại.

Kuldar Vaarsi – giám đốc điều hành của Milrem giải thích: “Phát hiện và vô hiệu hóa bom mìn, IED là nhiệm vụ thích hợp với các xe không người lái. Với công nghệ module linh hoạt và đầy sáng tạo, UGV Themis có thể sử dụng làm khung gầm cho nhiều nhiệm vụ khác nhau”.

UGV Themis sử dụng hệ truyền động bánh xích ốp cao su nên có khả năng hoạt động trên nhiều địa hình khác nhau. Nó có khả năng mang theo tải trọng nặng 750 kg. Robot dò mìn tự động dự kiến sẽ được đưa vào sản xuất từ cuối năm nay.

Theo Theo Zing