> Mỹ phủ nhận nghe lén điện thoại thủ tướng Anh
> Thủ tướng Đức gọi điện cho Tổng thống Mỹ làm rõ 'nghi án nghe trộm'
Việc nghe lén bà Merkel được tiến hành ngay cả trong các tuần lễ trước chuyến thăm Đức của Tổng thống Barack Obama hồi tháng 6. Trong tài liệu của SCS do Spiegel công bố, NSA cho biết có “một nhánh gián điệp không chính thức” nằm trong Đại sứ quán Mỹ tại Berlin.
Từ đây, các nhân viên NSA và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) giám sát toàn bộ liên lạc trong khu các bộ trưởng làm việc tại thủ đô nước Đức nhờ thiết bị công nghệ cao. Spiegel lưu ý không thể xác định SCS có thu các cuộc điện đàm hoặc thu thập dữ liệu liên lạc hay không.
Dẫn một tài liệu mật năm 2010, Spiegel cho rằng, còn nhiều chi nhánh do thám Mỹ kiểu như vậy ở khoảng 80 địa điểm khắp toàn cầu, nhất là ở Paris, Madrid, Roma, Prague, Geneva, Frankfurt.
Tổng thống Obama đã xin lỗi Thủ tướng Merkel khi bà đòi giải thích ngọn ngành vụ việc. Theo nhật báo Đức Francfurter Allgemmeine Zeitung, ông Obama nói với bà Merkel rằng mình không biết gì về việc nghe lén trên.
Theo tờ báo này, giám đốc cơ quan tình báo Đức Gerhard Schindler cùng người phụ trách tình báo Văn phòng Thủ tướng Đức Ronald Pofalla sẽ sang Mỹ để tìm hiểu mọi chuyện. Không chỉ thế, Đức và Brazil đang cùng soạn thảo giải pháp trình Liên Hợp Quốc về vấn đề bảo vệ quyền tự do cá nhân. Nghị viện châu Âu cũng quyết định cử tới Mỹ một phái đoàn 9 nghị sĩ để nghe giới chức Mỹ giải thích.
Kêu gọi bảo vệ quyền riêng tư
Vụ bê bối nghe lén chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Sau Pháp và Đức, đến lượt Tây Ban Nha triệu tập Đại sứ Mỹ tại Madrid, yêu cầu giải trình thông tin báo chí tiết lộ NSA đã theo dõi các thành viên chính phủ Tây Ban Nha, kể cả Thủ tướng José Luis Zapatero.
Tờ Le Monde của Pháp đưa tin, cơ quan mật vụ Mỹ cũng bị nghi ngờ đứng sau vụ tấn công tin học nhằm vào Phủ Tổng thống Pháp hồi tháng 5/2012. Liên minh châu Âu tiếp tục chia rẽ về vụ bê bối nghe lén của Mỹ. Khối này cực lực phản đối, nhưng không có bất kỳ hành động trả đũa nào.
Thủ tướng Anh David Cameron tránh không bình luận, trong khi lãnh đạo phe xã hội tại Nghị viện châu Âu Hannes Swoboda kịch liệt chỉ trích các nhà lãnh đạo cựu lục địa có vẻ “chỉ bận tâm đến việc nghe lén không chấp nhận được đối với điện thoại cầm tay của mình, bỏ mặc việc bảo vệ 500 triệu công dân châu Âu”.
Ủy viên Tư pháp châu Âu Viviane Reding kêu gọi 28 quốc gia thành viên chuyển sang hành động, yêu cầu thông qua vào đầu năm 2014 các biện pháp bảo vệ cuộc sống riêng tư, đặc biệt trước các cơ quan mật vụ.
Ngoài châu Âu, Ngoại trưởng Mexico José Antonio Meade đã hai lần triệu tập Đại sứ Mỹ Anthony Wayne để thảo luận vấn đề theo dõi cựu Tổng thống Felipe Calderon cũng như Tổng thống đương nhiệm Enrique Pena Nieto.
Cựu nhân vật số 2 của CIA Michael Morell thừa nhận hậu quả mà cựu phân tích gia tình báo Mỹ Edward Snowden gây ra là “nghiêm trọng nhất” trong lịch sử tình báo Mỹ.
Những phanh phui mới về quy mô rộng lớn của chương trình theo dõi của NSA nhằm vào công dân Mỹ cũng như nguyên thủ nước ngoài đã khiến dư luận Mỹ lo ngại về vấn đề không kiểm soát nổi việc theo dõi của mật vụ nước này. Hơn 4.500 người đã tụ tập tại Washington, biểu tình trước tòa nhà quốc hội Mỹ, đòi ban hành luật mới kiểm soát hoạt động của NSA. Người biểu tình cũng trao cho Quốc hội một bản kiến nghị thu thập chữ ký trên mạng của 575.000 người yêu cầu công khai tất cả chương trình theo dõi của NSA.
Thục Ninh
Tổng hợp