Mỹ làm gì trước tham vọng thống trị biển của Trung Quốc?

TPO - Ngoại trưởng Mỹ khẳng định các hành động cản trở quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông sẽ không được Washington chấp nhận. Hải quân Mỹ cũng đã lên kế hoạch đối phó với thực lực quân sự đang gia tăng của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Quyết “không dung thứ”


Ngày 6/8, phát biểu trong hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Washington sẽ không dung thứ cho bất cứ hành động ngăn trở, hạn chế quyền tự do hàng hải nào trên Biển Đông.

Tuyên bố trên của ông Kerry được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa xây dựng một loạt đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông, làm dấy lên quan ngại rằng Bắc Kinh sẽ áp đặt những quy định hạn chế đối với tàu thuyền, máy bay nước ngoài hoạt động trong khu vực, thậm chí có thể thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên vùng biển chiến lược này.

Trong thời gian gần đây, Mỹ và nhiều nước Đông Nam Á đã kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt ngay hành động cải tạo, xây đảo phi pháp trên Biển Đông.

Đáp lại, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố rằng họ “có quyền xây dựng” trên vùng biển này và tìm cách đổ lỗi cho Mỹ “gây bất ổn bằng những hành động quân sự hóa” trong khu vực.

Lên kế hoạch đối phó tên lửa Đông Phong

Bắc Kinh trong năm 2014 đã cho ra mắt tên lửa Đông Phong DF-21D được cho là "sát thủ tàu sân bay". Theo các đồn đoán, loại tên lửa này có thể di chuyển với tốc độ 10 Mach (10 lần tốc độ âm thanh) với tầm bắn 1.200 dặm.

Hải quân Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng DF-21D có thể đặt ra mối đe dọa lớn đối với tàu sân bay của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột. Vì vậy, hôm 5/8, Phó Tư lệnh Hải quân Mỹ Joseph Aucoin đã công bố phác thảo kế hoạch của Lầu Năm Góc để có thể đối phó tốt nhất với DF-21D.

>> Trung Quốc ngày càng lộ tham vọng thống trị trên biển

Một trong các lựa chọn là nâng cấp tên lửa Tomahawk được ra mắt vào những năm 1970. Hoặc lựa chọn thứ hai là sử dụng tên lửa chống hạm Long Range Anti-Ship Missile (LRASM) của Lockheed Martin. 

Tuy nhiên, Tomahawk tương đối rẻ so LRASM trị giá 2 triệu USD mỗi chiếc. Tomahawk cũng có tầm bắn xa hơn, tải trọng lớn hơn. Nhưng LRASM lại bền và có thể hiệu quả hơn so với vũ khí của Trung Quốc.


Kỳ vọng Nhật Bản-Australia liên kết đối phó Trung Quốc


Người Mỹ hy vọng 2 đồng minh của họ có thể phát huy vai trò an ninh lớn hơn ở châu Á khi đối mặt với sự tăng trưởng thực lực quân sự của Trung Quốc.

Trước đó Thủ tướng Tony Abbott ngày 4/8 cho biết, Australia sẽ chi 89 tỷ đô la Úc (1 đô la Úc tương đương 0,74 USD) để chế tạo tàu chiến và tàu ngầm trong tương lai. Trong đó 40 tỷ đôla Úc đã được cấp dùng để chế tạo tàu chiến mặt nước ở trong nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Tony Abbott cũng  mong muốn tăng cường quan hệ an ninh với Nhật Bản. Hãng tin Reuters Anh tháng 7 cho hay, một đội ngũ của Chính phủ Nhật Bản đang tiến hành đàm phán với 2 công ty Anh để tìm cách thắng thầu tàu ngầm ở Australia.

Hãng tin Reuters cũng cho hay, Nhật Bản đang có kế hoạch tặng 3 chiếc máy bay Beechcraft TC-90 King Air cho Philippines. Việc tặng máy bay sẽ là một sự nâng cấp quân sự cho Philippines, nước hiện chỉ có một số ít máy bay cánh cố định có thể được điều động cho các cuộc tuần tra hàng hải.

Theo Reuters, trang bị máy bay tuần tra trên biển cho Manila sẽ phù hợp với kế hoạch an ninh cứng rắn hơn của Thủ tướng Shinzo Abe nhưng có phần chắc sẽ khiến Trung Quốc tức giận. 

Trung Quốc không đánh lừa được ai về Biển Đông


Ngày 5/8, tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN và các nước đối tác, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh đã ngừng hoạt động xây dựng trên Biển Đông. Ngoài ra, ông Vương Nghị còn đề xuất 3 sáng kiến để duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông. 


Báo The Diplomat của Nhật Bản ngày 6.8 nhận định, cho dù Trung Quốc nói gì thì việc nước này đã hoàn thành việc xây dựng hải cảng thứ hai nhìn thẳng ra Biển Đông, cho thấy ý đồ khống chế Biển Đông của Trung  Quốc là không thay đổi.

Tiến sĩ Mira Rapp Hooper 
Tiến sĩ Mira Rapp Hooper - Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ cũng nhận định: “ Có khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục công tác xây dựng với những giai đoạn khác nhau trong vài tháng hay vài năm. 

Trong tương lai gần, từ nay tới thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình sang thăm Mỹ, có thể Trung Quốc sẽ không tiến hành các hoạt động xây cất khẩn trương. Trung Quốc có thể sẽ tạm ngưng mọi dự án xây mới gây tranh cãi cho tới khi một số hội nghị thượng đỉnh quan trọng ở khu vực như  Hội nghị thượng đỉnh Đông Á hay APEC kết thúc cuối năm nay.

Tuy nhiên, những tháng tiếp sau đó, …chúng ta sẽ thấy họ tái tục các hoạt động xây dựng và các hoạt động bán quân sự hóa các đảo (nhân tạo) đó”.

Tiến sĩ Hooper cũng cho rằng  mục tiêu của Trung Quốc là tăng cường hiện diện ở Biển Đông, chứng tỏ sức mạnh, củng cố tuyên bố chủ quyền (tham lam và phi lý) theo cái gọi là “bản đồ đường lưỡi bò”. "Với các đảo nhân tạo vừa bồi đắp, Trung Quốc dễ dàng hơn trong việc thực hiện mục tiêu nói trên", Tiến sĩ Hooper nhấn mạnh.