Mỹ lại cáo buộc tình báo Trung Quốc ăn cắp công nghệ

TP - Bộ Tư pháp Mỹ vừa đưa ra bản cáo trạng buộc tội một nhóm được cho là điệp viên Trung Quốc tìm cách đánh cắp công nghệ từ một số công ty Mỹ. Phản ứng lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói cáo trạng này là thêu dệt. Sự việc diễn ra trong lúc quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang rất căng thẳng với hàng loạt các tình huống đối đầu.
Trung Quốc muốn tự sản xuất động cơ trang bị cho các máy bay nội địa. Trong ảnh: Một chiếc C919 do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: CGTN

Theo cáo buộc từ phía Mỹ, nhóm điệp viên do các đặc vụ thuộc chi nhánh Giang Tô của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc dẫn dắt, đã tìm cách xâm nhập vào hệ thống máy tính của một công ty Mỹ và một công ty Pháp có văn phòng ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Cả hai công ty này đều là nhà sản xuất động cơ turbine cánh quạt trang bị cho các máy bay thương mại. Các thành viên nhóm này còn nhắm tới các công ty không gian và hàng không khác của Mỹ có tham gia sản xuất linh kiện động cơ máy bay.

 “Mối nguy từ các hoạt động xâm nhập được chính phủ Trung Quốc bảo trợ là có thật và liên tục diễn ra”, John Brown, đặc vụ phụ trách văn phòng San Diego của Cục Điều tra liên bang Mỹ nói trong văn bản của Bộ Tư pháp Mỹ, được đài CNN trích thuật. Theo văn bản này, các hoạt động xâm nhập máy tính nói trên bắt đầu diễn ra từ tháng 1/2010 tới tháng 5/2015.

“Hôm nay, FBI, với sự hỗ trợ của các công ty tư nhân, các đối tác của chính phủ Mỹ và quốc tế, gửi tới chính phủ Trung Quốc và các chính phủ nước ngoài có dính líu đến các hoạt động xâm nhập một thông điệp mạnh mẽ”, văn bản viết. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, hai điệp viên chủ chốt trong vụ này là Tra Vinh, Sài Manh, đều thuộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc. Những thuộc cấp của hai điệp viên này là Trương Cử, Lưu Xuân Lương, Cao Hồng Khôn, Trang Tiểu Vỹ và Mã Chi Kỳ.

Từ Ngạn Quân bị bắt ở Bỉ và dẫn độ về Mỹ. Ảnh: SCMP
Theo SCMP, cáo trạng của Mỹ nói có 12 công ty là nạn nhân, tám trong số này có trụ sở tại Mỹ, đều hoạt động trong lĩnh vực hàng không, công nghệ hoặc “hạ tầng quan trọng”. Các công ty còn lại gồm hai của Pháp, một của Anh và một công ty quản lý tên miền của Australia. Công ty nạn nhân duy nhất được nêu tên cụ thể là Capstone Turbines, có trụ sở ở Los Angeles, Mỹ.

Tuyên cáo của Bộ Tư pháp Mỹ không nói rõ hiện các vị Tra Vinh, Sài Manh đang ở đâu. Mỹ không ký hiệp định dẫn độ với Trung Quốc và nếu các điệp viên nói trên đang ở Trung Quốc thì chắc chắn Bắc Kinh không đời nào giao nộp họ cho Mỹ. Hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng bác bỏ các cáo buộc từ phía Mỹ, gọi đây là “một câu chuyện tưởng tượng và thêu dệt”.

Cáo buộc được đưa ra trong lúc Bắc Kinh chịu nhiều sức ép phải xử lý cái mà phía Washington gọi là quan ngại về tình trạng Trung Quốc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ.

Kể từ tháng 9 đến nay các cơ quan tư pháp Mỹ đã ba lần cáo buộc tình báo Trung Quốc tìm cách ăn cắp công nghệ Mỹ. Cuối tháng 9, một công dân Trung Quốc bị bắt ở Chicago với cáo buộc làm việc cho tình báo Trung Quốc, tìm cách tuyển mộ các kỹ sư và nhà khoa học, bao gồm cả những người làm việc cho một số nhà thầu quốc phòng Mỹ.

 Cáo trạng mới nhất của Bộ Tư pháp Mỹ xuất hiện chỉ sau hơn hai tuần cơ quan này công bố thông tin về vụ dẫn độ chưa có tiền lệ một người mà phía Mỹ nói là điệp viên của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (chi nhánh Giang Tô) từ Bỉ về Mỹ. Ngày 11/10, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Từ Ngạn Quân tìm cách đánh cắp các bí mật công nghệ từ công ty hàng không GE và một số công ty công nghệ hàng không khác của Mỹ. Cụ thể, Từ bị cho là tìm cách tiếp cận các thông tin về công nghệ sản xuất cánh quạt trong động cơ máy bay, công nghệ sản xuất thân vỏ… Về vụ này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bác bỏ, nói đây là sự thêu dệt của Mỹ.

Theo văn bản của Bộ Tư pháp Mỹ, cùng thời điểm diễn ra các hoạt động xâm nhập máy tính, một công ty hàng không của chính phủ Trung Quốc đang phát triển một loại động cơ máy bay tương tự dự kiến trang bị cho các máy bay sản xuất tại Trung Quốc và một số nước, Reuters cho hay. Những dòng máy bay này, bao gồm hai loại C919 và ARJ21, đang sử dụng động cơ do nước ngoài sản xuất nhưng nay Trung Quốc đang muốn tự phát triển động cơ để thay thế sản phẩm nhập ngoại.