Nguồn tin cho biết, tên lửa được gửi đi từ sân bay quốc tế Orlando của Mỹ vào đầu năm 2014 tới Tây Ban Nha nhằm phục phục cho cuộc tập trận quân sự của NATO. Cũng giống như bất cứ các lần vận chuyển vũ khí quân sự nhạy cảm khác, tên lửa Hellfire này được đánh dấu là hàng vận chuyển cần kiểm soát nghiêm ngặt và bất cứ đơn vị vận chuyển nào liên quan cũng được thông báo.
Nhà sản xuất Lockheed Martin đã trực tiếp vận chuyển tên lửa sau khi được sự nhất trí của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Nhưng không hiểu vì lý do gì, sau khi được đóng thành kiện hàng, tên lửa này đã được vận chuyển một vòng qua các nước châu Âu trong đó có Tây Ban Nha, Pháp và Đức và cuối cùng đưa lên một chuyến bay của Air France hướng tới thủ đô Havana của Cuba.
Khi máy bay hạ cánh ở Havana, một quan chức địa phương đã phát hiện ra lô hàng có đánh dấu này đã thu giữ lại, nguồn thạo tin cho biết. Khoảng tháng 6/2014, lãnh đạo của Lockheed Martin nhận ra rằng tên lửa này đã mất tích và nhiều khả năng đang ở Cuba, họ đã thông báo với Bộ Ngoại giao Mỹ.
Đến nay, đại sứ quán Tây Ban Nha, Pháp và Đức vẫn từ chối bình luận về vụ việc.
Việc chuyển nhầm tên lửa tới Cuba đã khiến giới điều tra và chuyên gia bối rối và lo ngại nguy cơ lộ bí mật quân sự.
Suốt hơn 1 năm qua, giới chức Mỹ đã tìm cách thuyết phục chính phủ Cuba trả lại tên lửa Hellfire bị gửi nhầm. Trong khi đó, các điều tra viên liên bang ra sức lần lại đường vận chuyển tên lửa này để xác minh liệu sự cố này là một hành động của tội phạm hay gián điệp, hay là hậu quả của một loạt sai lầm ngớ ngẩn nào đó, nguồn thạo tin cho biết.
Hellfire là tên lửa không đối đất, thường được trang bị cho các trực thăng chiến đấu. Ban đầu, cách đây vài thập niên, loại tên lửa này được thiết kế làm vũ khí chống tăng, nhưng sau đó được nâng cấp trở thành một phần quan trọng trong hệ thống vũ khí chống khủng bố của chính phủ Mỹ. Tên lửa này thường được phóng đi từ máy bay không người lái Predator để thực hiện các cuộc tấn công ở nhiều quốc gia trong đó có Yemen và Pakistan.
Tên lửa Hellfire bị chuyển nhầm không chứa các chất nổ nhưng giới chức Mỹ lo ngại Cuba có thể chia sẻ thông tin về bộ phận cảm biến và công nghệ xác định mục tiêu bên trong tên lửa này cho các nước khác như Trung Quốc, Triều Tiên.
Peter Singer, một chuyên gia cấp cao tại New America Foundation, cho rằng một số nước muốn có được các công nghệ sản xuất linh kiện Hellfire như bộ cảm biến hay công nghệ xác định mục tiêu để nâng cấp cho kho tên lửa của họ hoặc phát triển công nghệ đối phó.