Mỹ gạ bán cho Ấn Độ tiêm kích 'lai' F-21 có tính năng của F-35 và F-22

TPO - Tập đoàn hàng không vũ trụ của Mỹ, Lockheed Martin, đang theo đuổi thỏa thuận mua bán tiêm kích với Không quân Ấn Độ (IAF), sẵn sàng thiết lập một cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu ở nước này, đại diện công ty cho biết.
Tiêm kích F-21

Tiêm kích F-21 của Lockheed đang cạnh tranh với F-18 của Boeing (Mỹ), SAAB Gripen của Thụy Điển, Dassault Rafale của Pháp, Eurofighter Typhoon của châu Âu và MiG-35 của Nga để cung cấp 114 tiêm kích đa năng hạng trung (MMRCA) cho IAF.

Michael Kelley, Phó Chủ tịch Lockheed Martin Ấn Độ, và Brett Medlin, người chỉ huy chiến dịch bán F-21 cho Ấn Độ, sẽ hội đàm với chính phủ Ấn Độ và các quan chức IAF về thương vụ trị giá hàng tỷ đô la này.

Lockheed và tập đoàn kinh doanh Ấn Độ Tata Group đã hợp tác để sản xuất F-21 trong nước.

Trước đó, Lockheed Martin hứa rằng nếu nhận được hợp đồng MMRCA, họ sẽ chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ và sẽ không bán F-21 cho bất kỳ quốc gia nào khác, theo LiveMint.

Ông Kelly nói: “Một khi bạn chế tạo một chiếc máy bay và lắp ráp nó trong nước, bạn cũng biết cách tháo rời nó ra”.

Theo các nhà phân tích, thiết kế của F-21 giống với tiêm kích F-16 Block 70. Khoảng một nửa chuỗi cung ứng linh kiện F-21 và F-16 chung với F-22 Raptor và F-35.

Các yếu tố phân biệt F-21 là khung máy bay, khả năng vũ khí, tính năng động cơ và sự sẵn có của các tùy chọn động cơ.

“Ví dụ, thời gian phục vụ của khung máy bay F-21 là khoảng 12.000 giờ so với 8.000 giờ (F-16 Block 70). Theo các chuyên gia, khả năng mang thêm 40% vũ khí là điểm mới ở F-21 mà không có ở F-16 Block 70. Hệ thống tác chiến điện tử sẽ được tùy chỉnh theo nhu cầu của Ấn Độ ”.

F-21 được mô tả là biến thể F-16 tiên tiến nhất từng được chế tạo, tích hợp hệ thống điện tử hàng không tương lai từ F-35 Lightning II và F-22 Raptor. Để phân biệt hiệu suất và khả năng gia tăng, nó được đổi tên thành “F-21”, như một sản phẩm chuyên dụng cho Ấn Độ.