“Hai máy bay ném bom B-52H Stratofortress cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam để tham gia các nhiệm vụ huấn luyện định kỳ vào ngày 4/3”, CNN hôm qua dẫn thông báo của lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ. “Một máy bay ném bom của chúng tôi triển khai hoạt động huấn luyện ở nơi gần biển Đông trước khi trở về Guam, còn chiếc kia huấn luyện ở nơi gần Nhật Bản và có sự phối hợp với Hải quân Mỹ và lực lượng trên không của Nhật Bản trước khi trở về Guam”, thông báo cho biết thêm.
Cả hai chuyến bay đều nằm trong sứ mệnh “hiện diện liên tục của máy bay ném bom” mà Mỹ nói là nhằm duy trì sự sẵn sàng của quân đội. Không quân Mỹ khẳng định hai chuyến bay đầu tuần này diễn ra phù hợp với luật quốc tế.
Dù Mỹ định kỳ đưa máy bay ném bom đến gần biển Đông, hai chuyến bay vừa qua đánh dấu lần đầu tiên Mỹ đưa B-52, loại máy bay có thể ném bom hạt nhân, đến vùng biển này kể từ tháng 11 năm ngoái, ABC News đưa tin.
Từ năm 2004, Mỹ luân chuyển các máy bay ném bom B-1, B-52 và B-2 ở căn cứ Guam để duy trì chương trình hiện diện liên tục của các máy bay ném bom. Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm với sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở khu vực gần những cấu trúc trên vùng biển tranh chấp mà Bắc Kinh chiếm đóng và quân sự hóa.
Tháng 9 năm ngoái, một tàu chiến Trung Quốc tiến sát chỉ còn cách tàu khu trục Mỹ USS Decatur hơn 40m, buộc tàu của Mỹ phải chủ động tránh va chạm. Mỹ gọi hành động này của phía Trung Quốc là “không an toàn và không chuyên nghiệp”. Vụ việc xảy ra khi con tàu Decatur đang thực hiện chuyến tuần tra tự do hàng hải và đã đi vào vùng 12 hải lý quanh đá Gaven và Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Philippines lo bị cuốn vào chiến tranh
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana vừa lên tiếng bày tỏ lo ngại Hiệp ước phòng thủ tương hỗ (MDT) giữa Philippines và Mỹ có thể cuốn nước này vào chiến tranh trên biển Đông.
Phát biểu hôm 5/3, ông Lorenzana nói rằng MDT rất mơ hồ và có thể gây ra “nhầm lẫn và hỗn loạn nếu xảy ra khủng hoảng”. “Philippines hiện không có xung đột với bất kỳ ai và sẽ không chiến tranh với ai trong tương lai. Nhưng Mỹ, với việc tăng cường hoạt động đi lại của tàu hải quân trên vùng biển Tây Philippines (tức biển Đông - PV), rất có khả năng tham gia vào một cuộc chiến. Trong trường hợp như thế và với MDT, Philippines sẽ tự động bị cuốn vào”, CNN dẫn lời ông Lorenzana.
“Không phải tôi lo ngại vì thiếu sự bảo đảm, mà lo nguy cơ phải dính vào một cuộc chiến mà chúng tôi không tìm kiếm và không mong muốn”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines giải thích.
MDT được Mỹ và Philippines ký năm 1951. Theo đó, hai nước cam kết hỗ trợ lẫn nhau nếu bên kia bị tấn công vũ trang từ bên khác. Tháng 12 năm ngoái, ông Lorenzana yêu cầu đánh giá lại xem hiệp ước 67 tuổi này có còn hiệu lực hay phù hợp trong bối cảnh hiện nay hay không.
Theo Hội đồng Đối ngoại, một tổ chức phi chính phủ tại Mỹ, hiệp ước này từ lâu đã trở thành nguồn cơn gây cãi cọ trong nội bộ Philippines vì nó không nói rõ có bao trùm các vùng lãnh thổ tranh chấp, như những đảo trên biển Đông mà Philippines cũng đòi chủ quyền hay không.
Tranh cãi đó xuất phát từ thực tế là Mỹ không tuyên bố công khai liệu lãnh thổ tranh chấp trên biển mà Philippines đòi chủ quyền có thuộc phạm vi của hiệp định không. Các đòi hỏi chủ quyền trên biển của Philippines đưa ra từ những năm 1970, nhiều năm sau khi MDTđã được phê chuẩn. Trước những nghi ngờ đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào đầu tháng này đã bảo đảm rằng Washington vẫn cam kết thực hiện MDT. “Vì biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào quân đội, máy bay hay tàu công cộng của Philippines trên biển Đông cũng sẽ kích hoạt các nghĩa vụ phòng vệ tương hỗ theo điều 4 của Hiệp ước phòng thủ tương hỗ”, ông Pompoe nói tại Manila.