Philippines lo bị cuốn vào chiến tranh trên biển Đông

Bản đồ khu vực biển Đông với tuyên bố chủ quyền chồng lấn của các nước khu vực. (Ảnh: CSIS)
Bản đồ khu vực biển Đông với tuyên bố chủ quyền chồng lấn của các nước khu vực. (Ảnh: CSIS)
TPO - Quan chức quốc phòng cao nhất của Philippines vừa bày tỏ hoài nghi về hiệp ước phòng thủ tương hỗ của nước này với Mỹ, sợ rằng thỏa thuận này sẽ kéo Philippines vào chiến tranh trên biển Đông. Quan điểm này được đưa ra 1 ngày sau khi một máy bay ném bom B-52 của Mỹ có chuyến bay trên vùng biển tranh chấp.

Phát biểu hôm 5/3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói rằng Hiệp ước phòng thủ tương hỗ Philippines – Mỹ (MDT) rất mơ hồ và có thể gây ra “nhầm lẫn và hỗn loạn nếu xảy ra khủng hoảng”.

“Philippines hiện không có xung đột với bất kỳ ai và sẽ không chiến tranh với ai trong tương lai. Nhưng Mỹ, với việc tăng cường hoạt động đi lại của tàu hải quân trên vùng biển Tây Philippines (tức biển Đông – PV), rất có khả năng can dự vào một cuộc chiến. Trong trường hợp như thế và với MDT, Philippines sẽ tự động bị cuốn vào”, CNN dẫn lời ông Lorenzana.

“Không phải tôi lo ngại vì thiếu sự tái bảo đảm. Mà là nguy cơ phải dính vào một cuộc chiến mà chúng tôi không tìm kiếm và không mong muốn”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines giải thích.

Biển Đông là nơi các tàu hải quân Mỹ thực hiện định kỳ hoạt động khẳng định tự do hàng hải, khiến Trung Quốc khó chịu, trong bối cảnh Bắc Kinh đòi chủ quyền phi lý đối với gần hết vùng biển này và đã bồi đắp, quân sự hóa những cấu trúc mà họ chiếm đóng.

Hôm 4/3 vừa qua, một máy bay ném bom B-52 của Mỹ thực hiện chuyến bay gần các đảo tranh chấp, lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ cho biết. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái Mỹ điều máy bay loại này đến biển Đông.

MDT giữa Mỹ và Philippines được ký năm 1951. Theo đó, hai nước cam kết hỗ trợ lẫn nhau nếu bên kia bị tấn công vũ trang từ bên khác. Tháng 12 năm ngoái, ông Lorenzana yêu cầu đánh giá lại xem hiệp định này có còn hiệu lực hay phù hợp không.

“Đó là một hiệp định 67 năm tuổi. Nó có còn phù hợp với lợi ích quốc gia của chúng ta không? Đó là điều chúng ta cần đánh giá”, ông nói.

Theo Hội đồng Đối ngoại, một tổ chức phi chính phủ tại Mỹ, hiệp định này từ lâu đã trở thành nguồn cơn gây cãi cọ trong nội bộ Philippines vì nó không nói rõ có bao trùm các vùng lãnh thổ tranh chấp, như những đảo trên biển Đông mà Philippines cũng đòi chủ quyền hay không.

“Khác biệt trong cách giải thích xuất phát từ thực tế là Mỹ không tuyên bố công khai liệu lãnh thổ tranh chấp mà Philippines đòi chủ quyền có thuộc phạm vi hiệu lực của hiệp định không. Một số đòi hỏi chủ quyền xuất hiện từ những năm 1970, nhiều năm sau khi hiệp định đã được phê chuẩn.

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bảo đảm rằng Washington vẫn cam kết với MDT.

“Vì biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào quân đội, máy bay hay tàu công cộng của Philippines tren biển Đông cũng sẽ kích hoạt các nghĩa vụ phòng vệ tương hỗ theo điều 4 của Hiệp ước phòng thủ tương hỗ”, ông Pompoe nói tại Manila.

Nhưng đầu tuần qua, Bộ trưởng Lorenzana chỉ ra điều xảy ra trước đây mà ông cho là vì Mỹ không thực hiện hiệp ước và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Philippines.

Sau khi Mỹ đóng căn cứ hải quân trên vịnh Subic, phía tây Manila, vào năm 1992, ông Lorenzana nói: “Người Trung Quốc bắt đầu các hành động quyết liệt trên đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – PV) – dù không phải tấn công vũ trang – nhưng hành động hung hăng cũng như vậy thôi. Mỹ đã không ngăn chặn điều đó”.

Trong mấy năm qua, lập trường của Manila dao động giữa Bắc Kinh với Washington. Dưới thời ông Benigno Aquino, nước này chiến thắng Trung Quốc tại tòa trọng tài thường trực quốc tế trong vụ kiện liên quan đến tranh chấp trên biển Đông.

Nhưng đến thời ông Duterte, Manila tìm cách xích lại gần Bắc Kinh, ngay cả khi bản thân tổng thống thỉnh thoảng vẫn nêu quan ngại về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Tháng 11 năm ngoái, Philippines và Trung Quốc đồng ý hợp tác khai thác dầu khí trên vùng biển này.

MỚI - NÓNG