Hai quan chức Mỹ và các nhà ngoại giao châu Á và phương Tây cho biết, Lầu Năm Góc vẫn đang cân nhắc chứ chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Theo họ, động thái mới của Mỹ có thể là tăng cường độ các cuộc tuần tra ở Biển Đông và hải trình có thể kéo dài hơn, huy động tàu chiến lớn hơn và tiếp cận gần hơn các cơ sở của Trung Quốc ở khu vực này, nơi Trung Quốc đã lắp đặt trái phép các thiết bị điện tử và radar quân sự tối tân.
Các quan chức Mỹ đang hối thúc các đồng minh và đối tác quốc tế tăng cường triển khai các hoạt động hàng hải thông qua các tuyến thương mại quan trọng khi Trung Quốc tăng cường năng lực quân sự tại các cụm đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Một nhà ngoại giao phương Tây nói rằng, Mỹ đã đối chọi các thách thức này bằng việc phái hai chiếc tàu tuần tra đi lại trong khu vực tự do hàng hải vài tuần trước đây. Nhà ngoại giao giấu tên này nói: “Cần phải làm nhiều hơn thế”.
Lầu Năm Góc chưa đưa ra bình luận về các hoạt động của hải quân Mỹ trong tương lai, tuy nhiên, trung tá Christopher Logan, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục làm việc cùng với những người bạn, đối tác và đồng minh để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Hành động được đánh giá là quyết đoán của Mỹ chính là việc điều hai tàu chiến tới tuần tra ở Biển Đông cho dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.
Trong khi các hoạt động tuần tra này đã được lên kế hoạch trước đó vài tháng, Mỹ cho rằng, các hoạt động tương tự sẽ trở nên thường xuyên hơn nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở khu vực 12 hải lý theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, việc làm này của Mỹ không ảnh hưởng tới hành vi của Trung Quốc và nó càng lộ ra rằng Mỹ đang thiếu một chiếc lược lớn trong việc đối phó việc gia tăng bá quyền của Trung Quốc tại khu vực.