Tướng Glen VanHerck, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) cho biết lý do khiến các vụ bắn hạ diễn ra liên tục là do quân đội đang trong trạng thái “cảnh giác cao độ” sau sự cố khinh khí cầu Trung Quốc xâm phạm không phận Mỹ cuối tháng 1.
Vật thể này bị bắn hạ ngoài khơi trên Đại Tây Dương, và được quân đội Mỹ trục vớt để nghiên cứu. Sau đó, các máy bay chiến đấu Mỹ tiếp tục bắn hạ các vật thể bay ở Alaska, Canada và Hồ Huron.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết những vật thể này không gây ra mối đe dọa an ninh, nhưng có quá ít thông tin về chúng nên các quan chức Lầu Năm Góc không loại trừ bất cứ khả năng nào.
“Chúng tôi đã rà soát không phận ở những độ cao này một cách kỹ lưỡng hơn, bao gồm cả tăng cường radar, điều này có thể giải thích một phần cho sự gia tăng của số vụ bắn hạ”, Melissa Dalton, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết.
Giới chức Mỹ nói rõ rằng họ liên tục theo dõi các vật thể xuất hiện trên radar, và không có gì lạ khi đóng cửa không phận để đánh giá chúng. Nhưng phản ứng quyết liệt bất thường của quân đội Mỹ đang đặt ra câu hỏi về việc liệu sử dụng nguồn lực quân sự để bắn hạ các vật thể này có cần thiết hay không, đặc biệt là khi các quan chức chính quyền cho biết những vật thể này không phải là mối lo ngại lớn về an ninh quốc gia, và việc bắn rơi là quá thận trọng.
Tướng VanHerck cho biết Mỹ đã điều chỉnh radar để có thể theo dõi các vật thể di chuyển chậm hơn. Ông nói thêm: “Tôi tin rằng đây là lần đầu tiên ở Mỹ hoặc trên không phận Mỹ, NORAD hoặc Bộ Tư lệnh Phương Bắc của Mỹ thực hiện tác động vật lý chống lại một vật thể trên không.”
Lầu Năm Góc cho biết cơ quan này vẫn đang cố gắng xác định chính xác bản chất và nguồn gốc của các vật thể bay bí ẩn. Khi được hỏi liệu các quan chức có loại trừ khả năng có sự sống ngoài hành tinh hay không, tướng VanHerck nói: “Tôi chưa loại trừ bất cứ điều gì vào thời điểm này.”
Ngày 4/2, một khinh khí cầu Trung Quốc đã bị máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ bắn rơi ở độ cao khoảng 60.000 feet. Các quan chức Mỹ ngay lập tức đổ lỗi cho Trung Quốc, nói rằng khinh khí cầu được trang bị để phát hiện và thu thập tín hiệu tình báo, thậm chí có thể tự điều động.
Đáp lại, Bắc Kinh khẳng định đây là khinh khí cầu dân sự được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khí tượng. Trung Quốc cho rằng việc Mỹ bắn hạ khí cầu này là “phản ứng thái quá”.
Ngày 10/2, bộ đôi máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ bắn hạ một vật thể có kích thước gần bằng một chiếc xe hơi nhỏ trên bờ biển phía Đông Bắc Alaska. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết Tổng thống Joe Biden đã được thông báo về vật thể này vào ngày hôm trước và ra lệnh tấn công.
Lầu Năm Góc tiết lộ vật thể này gây ra mối đe dọa đối với giao thông hàng không dân sự vì nó bay ở độ cao 40.000 feet.
Ngày 11/2, máy bay F-22 của Mỹ tiếp tục bắn hạ một vật thể bay trên khu vực Yukon của Canada.
NORAD phát hiện vật thể này vào tối 10/2. Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand cho biết vật thể bí ẩn “có hình trụ”.
Ngày 12/2, máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ bắn hạ một vật thể bay trên Hồ Huron (biên giới Mỹ - Canada).
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết mặc dù không gây ra mối đe dọa quân sự, nhưng vật thể này có khả năng gây cản trở giao thông hàng không nội địa khi di chuyển ở độ cao 20.000 feet, và nó có thể có khả năng do thám.
Một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ vật thể này có cấu trúc hình bát giác.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ - Chuck Schumer nói với đài truyền hình ABC rằng các quan chức Mỹ tin hai trong số các vật thể mới bị bắn hạ có kích thước nhỏ hơn khinh khí cầu Trung Quốc.
Nhà Trắng cũng nói rằng các vật thể bị bắn rơi gần đây "không giống" với khinh khí cầu Trung Quốc, lặp lại mô tả của ông Schumer là chúng "nhỏ hơn nhiều".
“Chúng tôi sẽ không bình luận về chúng cho đến khi tìm thấy các mảnh vỡ, việc mà chúng tôi đang làm”, một phát ngôn viên cho biết.