Mỹ, Anh tiêu tốn bao nhiêu tiền vì những 'kẻ lộ mật'?

Ba năm sau ngày ông chủ trang web WikiLeaks Julian Assange xin tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador tại thủ đô London của Anh, cơ quan an ninh Anh đã phải chi tới 14 triệu USD. Trong khi đó, Mỹ cũng tiêu tốn một số tiền tương tự để triển khai các nhân viên CIA theo dõi "người thổi còi" Edward Snowden tại Nga.
Trước cửa Đại sứ quán Ecuador ở London luôn thường trực ít nhất 3 sĩ quan cảnh sát Anh giám sát. Ảnh: Reuters.

Hàng chục triệu USD để giám sát

Theo tin từ tờ Telegraph, cảnh sát Anh đã phải chi tới 14 triệu USD để canh chừng ông chủ WikiLeaks Julian Assange tại trụ sở Đại sứ quán Ecuador, gần Harrods ở Knightsbridge ở thủ đô London. Số tiền này dùng để chi trả lương cho một tổ chuyên nhiệm vụ canh gác cửa Đại sứ quán Ecuador.

Mỗi ca trực của tổ canh gác gồm có 3 sĩ quan cảnh sát, một người tuần tra cổng ra, 2 sĩ quan khác quan sát kỹ những người ra vào Đại sứ quán để tránh nguy cơ Julian Assange cải trang làm khách thăm để thoát ra ngoài. Bên cạnh đó là việc triển khai thêm nhiều camera giám sát xung quanh khu vực cùng một số trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao khác mà cảnh sát London từ chối tiết lộ.

Phát ngôn viên Sở Cảnh sát thủ đô London cho biết, trong số 14 triệu USD nói trên có 11,4 triệu USD tiền lương và tiền làm ngoài giờ cho các sĩ quan cảnh sát. Số còn lại chi vào các thiết bị giám sát. Ngay sau khi thông tin này được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận Anh đã tỏ thái độ bất bình và cho rằng, Anh không cần thiết phải tốn kém như vậy.

Trang web Govwaste.co.uk còn tính toán rằng, số tiền này có thể trang trải hơn 8 triệu bữa ăn cho người nghèo, thanh toán chi phí cho 38.043 giường bệnh trong một đêm hoặc trả học phí cả năm học cho 17.226 trẻ em. Và nếu ông Julian Assange ở lại trong Đại sứ quán Ecuador đến năm 2022 thì chi phí này có thể lên tới 60 triệu USD.

Trong khi đó, tại Mỹ, báo chí cũng gây "sóng gió dư luận" bằng việc liệt kê con số gần 20 triệu USD mà các cơ quan tình báo Mỹ đã phải chi trả cho việc giám sát hoạt động của "người thổi còi" Edward Snowden. Cũng theo các tờ báo này, hiện nay, việc tìm ra tung tích của Edward Snowden tại Nga đã dễ dàng hơn vì anh này đã có công ăn việc làm ổn định và thường xuyên xuất hiện trên đài, báo và cả truyền hình.

Trước đó, vào thời kỳ đầu sau khi được chính quyền Moskva chấp nhận cho sống tị nạn, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã phải chi rất nhiều tiền để cử các nhân viên tình báo sang Nga tìm hiểu về Edward Snowden. Điều đáng nói là con số 20 triệu USD này là chưa kể đến số tiền mà Washington phải chi vào thời điểm thông tin mật của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng bị "người thổi còi" cung cấp cho báo giới và cuộc truy đuổi anh này từ Mỹ tới Hong Kong và một số nơi khác.

Thời gian gần đây, "người thổi còi" Edward Snowden có cuộc sống dễ chịu hơn ở Nga. Ảnh: LifeNews.

Và cuộc sống không giống ai

Được biết, Julian Assange đã tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở London từ tháng 6/2012 sau khi tòa án Anh phán quyết trục xuất ông sang Thụy Điển vì cáo buộc tấn công tình dục. Tại đây, Julian Assange sống trong một căn phòng làm việc nhỏ được sắp xếp lại thành phòng ở với một chiếc giường, một chiếc điện thoại, một cái đèn ngủ, một máy tính kết nối Internet, phòng tắm, một máy tập chạy bộ và một chiếc bếp nhỏ.

Trong 37 tháng sống biệt lập như vậy, Julian Assange vẫn thường tiếp các nhân vật nổi tiếng đến thăm như nhạc sĩ Graham Nash, Yoko Ono, Sean Lennon, các diễn viên Peters Sarsgaard, Maggie Gyllenhaal… Thời gian rảnh rỗi, Julian Assange vẫn vào Internet, chỉ đạo các nhân viên của trang WikiLeaks hoạt động và thậm chí còn viết hồi ký.

Trong lần trả lời phỏng vấn tờ Sunday Times, Julian Assange tâm sự rằng hàng tháng anh vẫn nhận được tiền tài trợ từ các nhà hảo tâm, ủng hộ. Tuy nhiên, để trang trải chi phí pháp lý và chi trả cho hoạt động của WikiLeaks, Julian Assange đã quyết định viết hồi ký với nhuận bút được nhà xuất bản của Mỹ Alfred A.Knopf và nhà xuất bản Canongate của Anh chi trả tới hàng triệu USD.

Còn đối với Edward Snowden, cuộc sống giờ đã dễ chịu hơn rất nhiều. Anh có thể đi lại một cách bình thường ở Nga mà không hề gặp trở ngại nào. Cựu nhân viên CIA còn được làm công việc mà anh yêu thích và đi du lịch nhiều thành phố ở Nga. Về ăn uống, Edward Snowden có vẻ thích các món ăn Nga. Anh còn tự nấu nướng và từng "chiêu đãi" luật sư Anatoly Kucherena một bữa thịt nướng khá ngon.

Cũng theo luật sư Anatoly Kucherena thì đến nay, "người thổi còi" vẫn nhận được các nguồn tài trợ từ bên ngoài. Thậm chí, Edward Snowden còn được trao nhiều giải thưởng khác nhau. Hồi tháng 6 năm ngoái, anh đã được tổ chức German Humanist Union (Đức) trao giải Fritz Bauer và vinh danh vì sự can đảm khi tiết lộ các chương trình theo dõi của NSA.

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu