Linh hồn tượng gỗ
Dẫn chúng tôi đi đến khu nhà mồ nằm giữa cánh rừng của xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) nơi có nhiều bức tượng kỳ quái. Trong không gian tĩnh mịch đến rợn người, giọng già Ama Đăng hòa lẫn vào tiếng ầm ù của rừng xanh: Khu vực cư trú của người chết áp sát khu vực của người sống về phía Tây, trục Đông Tây là con đường nối liền người sống với thế giới của thần linh, là ranh giới giữa sự sống - chết. Họ tin rằng, con người khi sống có linh hồn (bơngắt), khi chết linh hồn biến thành ma (atâu), “Atâu cũng có cuộc sống như người dương gian nên khi người chết được 3 năm hoặc lâu hơn, đồng bào Tây Nguyên sẽ tổ chức lễ bỏ mả (lễ Pơ thi). Đây là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của buôn làng và được duy trì đến bây giờ.
Đồng bào Tây Nguyên tin rằng chỉ khi làm lễ bỏ mả người chết mới về thế giới bên kia. Từ đây người sống sẽ không vương vấn gì với linh hồn người chết. Người vợ hoặc chồng góa sẽ hết giai đoạn tang và chấm dứt quan hệ vợ chồng với người đã mất. Lễ bỏ mả có khi tốn cả trăm triệu nhưng ai nấy đều vui vẻ. Họ bỏ ra số tiền lớn để tổ chức và nghĩ rằng đây là số tài sản chia cho người thân đã ra đi. Đây là lễ hội quan trọng. Tại đây các sắc thái văn hóa lẫn các loại hình nghệ thuật truyền thống sẽ được tái hiện.
Trong ánh lửa bập bùng của những ngày lễ hội ở nghĩa địa, ngôi nhà mồ hiện lên nét độc đáo tạo nên không gian huyền bí bởi hàng tượng gỗ xung quanh với những nét biểu cảm buồn thương, vui nhộn, khắc khổ xa xăm, tư lự…đã để lại nhiều cảm xúc, suy nghĩ cho người xem về kiếp nhân sinh.
Tượng gỗ là sản phẩm không thể thiếu trong lễ bỏ mả của người dân tộc bản địa Tây Nguyên. Mỗi bức tượng nhà mồ tạo ra là những đứa con tinh thần mà các nghệ nhân đã thổi hồn vào từng thớ gỗ. Theo các già làng, việc tạc tượng đặt ở nhà mồ xuất phát từ 2 truyền thuyết của người dân bản địa nơi đây. Một truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa các vị tù trưởng giàu mạnh ở Tây Nguyên khi chết đều chôn theo người để hầu hạ. Thời gian sau đó họ dùng gỗ làm hình nhân thay thế cho người sống. Còn truyền thuyết khác kể về một cô gái xinh đẹp hát hay, múa dẻo nhất vùng được nhiều trai làng thầm yêu trộm nhớ. Đột ngột cô gái qua đời, có một chàng trai quá đau buồn nên đã ngồi khóc bên mộ cho đến chết và hóa thành tượng gỗ ngồi canh giữ, trò chuyện với cô gái hàng ngày.
Theo nghệ nhân Ksor hei (xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, Gia Lai) - nghệ nhân làm tượng nhà mồ - cái bụng phải tốt, mắt phải sáng mới tìm được thân gỗ tốt, đẽo cái tượng nó mới đẹp, con quỷ dữ sẽ không dám quậy phá linh hồn người chết.
Cùng với chuyển biến trong cuộc sống, nhà mồ và tượng nhà mồ có nhiều thay đổi. Nhiều nơi làm theo hướng đơn giản hơn, sử dụng nhiều vật liệu mới thay cho mái cỏ tranh hay phên nứa. Bên cạnh những tượng cổ truyền, nghệ nhân đưa hình ảnh cuộc sống đương thời vào thế giới tượng nhà mồ, nhưng các nghệ nhân tạc tượng ấy vẫn làm tất cả bằng con dao, chiếc rìu, cái đục. Tượng gỗ là sản phẩm của người sống làm tặng người chết với tất cả sự trân trọng, thương mến. Tượng gỗ có ý nghĩa là hình bóng thay thế người sống về làng ma bầu bạn, để người chết được vui vẻ hạnh phúc vì mình được quan tâm, được chia phần để không còn về quấy phá người đang sống.
Lời nguyền về sự đánh cắp bảo vật của người chết
Đồng bào Tây Nguyên có tục chia của cho người chết vì thế tình trạng phá hoại nhà mồ để lấy cổ vật xuất hiện ở nhiều buôn làng các tỉnh Tây Nguyên. Từ xa xưa, câu chuyện về cổ vật là đồ tùy táng luôn bao trùm bởi lời đồn thổi nhuốm màu ma mị tâm linh. Người nào lấy trộm đồ của người chết sẽ bị quả báo rùng rợn. Dù lời nguyền ma quái thế nào thì những món đồ cổ giá trị vẫn luôn có sức hút với những kẻ chuyên săn trộm cổ vật.
Ông Ama Phương (buôn trưởng buôn Trí A, xã Krông Na, Buôn Đôn, Đắk Lắk) cho biết: Cách đây hơn 10 năm một số kẻ gian lợi dụng đêm tối đã lẻn vào đào trộm mộ của vợ chồng ông Y Thu (Vua săn voi) lấy đi một số cổ vật của quốc vương Xiêm La và các tù trưởng ở Tây Nguyên tặng cho vua Voi. Năm 2013, gia đình ông Y Phương tự bỏ tiền xây bờ rào và làm một cánh cổng sắt lớn khóa lại để bảo vệ khỏi sự xâm hại của kẻ xấu.
Việc đào trộm mộ gây xôn xao về sự báo oán rùng rợn cách đây hơn 10 năm ở Xã La Ka, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai. Hơn 10 thanh niên trong làng lặng lẽ đào nhà mồ của làng để tìm cổ vật sau đó bị bắt quả tang và đưa ra trước cộng đồng kiểm điểm.
Những năm sau đó, những người này luôn bị ám ảnh bởi con ma rừng đã theo họ báo oán. Nhớ lại chuyện này, đến giờ ông Rơ Châm Chot (sinh 1969, một trong những người đào trộm mộ năm đó) vẫn còn sợ hãi vì sau lần đó một số người trong nhóm đào trộm mộ đột nhiên chết bất đắc kỳ tử. “Chúng tôi đã từng làm những việc kiêng kị mà tập quán không cho phép nên luôn bị day dứt lương tâm, dằn vặt, lúc nào cũng bị ám ảnh bị trả giá. Đây cũng là bài học cho ai rắp tâm xâm hại đến mồ mả linh thiêng trong đời sống của đồng bào dân tộc”.
Theo Ông Y Kô Niê, phó trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Đắk Lắk, nhà mồ Tây Nguyên là một phần vô cùng quan trọng, đặc sắc trong văn hóa cổ truyền của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Nó vừa là văn hóa vật thể, vừa là phi vật thể. Nhà mồ có giá trị nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc lại có ý nghĩa về dân tộc tôn giáo. Bây giờ lớp trẻ đi làm ăn xa ít mặn mà với tập tục này, nhưng các già làng vẫn gìn giữ, phát huy để con cháu sau này biết ý nghĩa truyền thống của dân tộc mình.