> Cử nhân thực tập nghề… bê nước, pha trà
> Chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến các trường ĐH
Trong lá đơn kiến nghị gửi đến báo Tiền Phong, chị Đặng Thị S. C., sinh năm 1990 ở TPHCM cho biết, chị là cử nhân hộ sinh, học khóa 2008-2012 tại Trường ĐH Y Dược TPHCM.
Do muốn nâng cao kiến thức về dược lý, chị đăng ký thi tuyển theo ngành dược hệ đại học tại trường này. Tuy nhiên, theo quy chế tuyển sinh văn bằng hai thì nhà trường cho biết chị “không đủ điều kiện nộp hồ sơ”.
Cũng như chị C., anh Ngô Phạm H. M., 26 tuổi ở quận 1, TPHCM cũng tốt nghiệp với chuyên ngành Vật lý trị liệu tại Trường ĐH Y Dược TPHCM năm 2011 và muốn học thêm văn bằng hai về dược nhưng cũng bị từ chối nhận hồ sơ…
“Khi chúng tôi hỏi vì sao thì họ giải thích rất chung chung rằng quy định của trường là vậy”- chị C. nói.
Theo chị C., hệ cử nhân chính quy và y đa khoa đều học 6 năm như nhau, và về cơ bản giáo trình đào tạo các môn như hóa đại cương, sinh đại cương, sinh di truyền…đều giống nhau.
“Nhưng không hiểu sao hệ y đa khoa lại đủ điều kiện dự tuyển còn chúng tôi lại không”- chị C thắc mắc. Trong khi đó, anh Ngô Phạm H. M. cho biết: “Khi chúng tôi hỏi thì lãnh đạo nhà trường cho biết, ngoài nhận những người tốt nghiệp y đa khoa, còn nhận cử nhân, kỹ sư ngành hóa- sinh của các trường đại học khác, trong đó có cả các trường dân lập nhưng hệ cử nhân chúng tôi thì không”.
Trao đổi với Tiền Phong, PGS-TS Đặng Văn Tịnh- Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TPHCM cho biết, do nhu cầu thiếu dược sĩ nên cách đây 3 năm hội đồng tuyển sinh nhà trường đã họp và trình lên Bộ GD&ĐT để xin tuyển sinh văn bằng hai chuyên ngành dược.
Theo đó, trong điều kiện tuyển sinh văn bằng hai này chỉ lấy bác sĩ và cử nhân ngành hóa- sinh ở các trường khác.
“Bác sĩ và cử nhân sinh- hóa muốn học thêm dược thì cũng dễ hơn do các ngành này vốn có nhiều môn học tương đồng. Hơn nữa, tạo cơ hội cho các cử nhân hóa- sinh học văn bằng hai dược để tận dụng nhân lực ở các trường này. Tuy nhiên, nếu nhu cầu học của các cử nhân tốt nghiệp ở ĐH Y Dược TPHCM lớn thì nhà trường phải họp lại với hội đồng tuyển sinh và cũng cần xem xét lại mới có quyết định”- TS Đặng Văn Tịnh cho biết.