Mười dạng người tôi không bầu làm lãnh đạo

TP - Dạng thứ nhất: Người chỉ có khả năng thẩm định, dung nạp những tác phẩm hợp khẩu vị với mình, chỉ quan tâm săn sóc những đồng nghiệp hợp gu. Dạng này làm lãnh đạo sẽ có thói độc quyền chân lý, kìm hãm sự đa dạng, làm cho nền văn học nghèo nàn, đơn điệu.
Nhà văn Lê Hoài Nam.

Dạng thứ hai: Người mà ta gọi cho anh ta (chị ta) hàng chục cú điện thoại, trong đó có cả những cuộc gọi nhỡ hiện lên mặt máy nhưng anh ta (chị ta) không thèm gọi lại cho ta một cú. Có thể anh ta (chị ta) tiếc tiền. Keo kiệt, trong chừng mực nào đó còn có thể lượng thứ. Nhưng nếu khinh mạn đến độ coi mình có tài cao đức trọng, quyền biến lớn lao, mọi người có nhiệm vụ phải cung phụng, cầu cạnh mình chứ mình không cần đáp lễ ai, thì không thể bầu làm lãnh đạo được.

Dạng thứ ba: Người chỉ chăm chắm lo cho sự nổi danh của mình mà ít quan tâm đến đồng nghiệp, nhất là những người ở xa thủ đô, sống chết ra sao, viết lách in ấn thế nào.

Dạng thứ tư: Được đồng nghiệp tặng sách, kể cả qua bưu điện mà tiền cước phí còn cao hơn giá cuốn sách, nhưng anh ta (chị ta) không một lời cám ơn, dù chỉ là một cú điện thoại ngắn.

Dạng thứ năm: Người nhìn một đồng nghiệp bằng con mắt màu nâu, tự dưng có ai đó thổi vào tai anh ta (chị ta) rằng đồng nghiệp ấy màu vàng, thế là thay đổi ngay nhãn quan, nhìn đồng nghiệp ấy bằng con mắt vàng khè. Dạng này làm lãnh đạo sẽ rất quan liêu, đầy cảm tính.

Dạng thứ sáu: Chúng ta đang sống trong một môi trường xã hội tiền công nghiệp - đô thị. Mọi thứ còn rất ngổn ngang, bề bộn, bụi bặm, xô lệch. Mỗi người, không ít thì nhiều đều chịu sự cọ xát, va đập, có cả tì vết. Vậy mà vẫn có những người "sạch sẽ" một cách đáng ngờ. Anh ta (chị ta) "sạch sẽ" vì đứng bên lề dòng chảy cuộc sống. Người lãnh đạo dạng này không để lộ nhược điểm, chỉ khéo lo che đậy giữ thân, nhưng vô tích sự, vô cảm, tẻ nhạt.

Dạng thứ bảy: Người cổ súy cho việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ và kết nạp hội viên bằng thuận mua vừa bán.

Dạng thứ tám: Người mà cho đến nay vì cần có chỗ để lĩnh lương nên vẫn khuyến khích làm ra những sản phẩm nhàm tẻ, không có người tiêu dùng, chỉ để biếu, và người được biếu cũng không thưởng thức được, rất lãng phí.

Dạng thứ chín: Người quan trọng hóa bản thân, hợm hĩnh, cho mình thuộc hạng đổi mới, cấp tiến. Ngồi với đồng nghiệp cũng tỏ ra cảnh giác, e có người theo dõi. Thậm chí không dám đi uống bia với bạn bè, đồng nghiệp, sợ bị đầu độc.

Dạng thứ mười: Người tự cho mình cái quyền yêu nước hơn người khác, luôn xét nét từng lời nói, cử chỉ của đồng nghiệp. Ai nói khác mình, ai được in một vài truyện ngắn hay dăm bảy bài thơ ở báo chí nước ngoài là chụp cho cái mũ bị thế lực này khác lợi dụng. Người như thế làm lãnh đạo Hội Nhà văn sẽ khó có khả năng tập hợp hội viên, không có quan điểm hòa hợp đoàn kết toàn dân tộc, làm cho đất nước tụt hậu.