Ngày này tháng trước, 18/5, TQ bố cáo đón dòng băng cháy đầu tiên với lưu tốc 16.000 m3/ngày. Đến 10/6, họ khai thác tổng cộng 210.000 m3, thứ khí sinh thành dưới đáy biển ở nhiệt độ cực thấp và áp suất cực cao mà mỗi m3 tương đương 164 m3 khí đốt thiên nhiên.
Nhật Bản (NB) cũng công bố kết quả thử nghiệm của mình, thậm chí trước TQ hai tuần, ngày 4/5. NB mong dòng băng cháy từ giếng của họ chảy liên tục 3-4 tuần thì coi như thắng nhưng đến nay vẫn chưa thấy báo gì. Thử nghiệm đầu tiên của NB vào năm 2013. Với kinh phí 180 triệu USD, giếng phun băng cháy sáu ngày thì tắt do đường ống tắc bởi cát.
Nếu các dữ liệu từ TQ được xác nhận là đúng, có hôm đón được 35.000 m3/ngày, đây là thành tựu có ý nghĩa toàn cầu. Khai thác băng cháy siêu khó dù nó phân bố hầu khắp các đại dương và có thể đủ dùng cho cả thế giới 800-1000 năm. Băng cháy được phát hiện cách đây 50 năm ở Nga và các nước chỉ chính thức nghiên cứu khai thác cách đây 10-15 năm. Vậy mà TQ dám bỏ núi tiền tìm hiểu từ 1998 dù đến 2007 họ mới phát hiện được nó.
Thế giới nín thở theo dõi hai mỏ băng cháy đầu tiên ở TQ và NB. Nếu chúng tuôn chảy liên tục ít nhất vài năm, thương mại hoá thứ nhiên liệu khổng lồ này gần như thành hiện thực. TQ tham vọng dùng băng cháy làm động lực nuôi Đường Tơ Lụa trên biển từ năm 2030. Còn NB thề đến 2023-2027 sẽ mở đầu kỷ nguyên nước này chấm dứt đứng độn sổ thế giới nhập khí thiên nhiên hoá lỏng.
Vấn đề ở chỗ TQ làm chủ khai thác băng cháy nhanh bao nhiêu càng gây lo ngại về gia tăng mất ổn định ở khu vực bấy nhiêu. Biển Đông được dự báo có tiềm năng băng cháy đáng kể trong khi hầu như chưa nước nào ở Đông Nam Á đủ sức dù chỉ ở mức thăm dò. Nhóm khoa học gia Mỹ-Đức-Na Uy vừa công bố một phát hiện bất ngờ: băng cháy có thể không gây ấm nóng toàn cầu như nhiều người nghĩ mà ngược lại. Nếu phát hiện ấy được chứng minh là đúng không chỉ ở địa điểm nghiên cứu, khả năng thương mại hoá băng cháy sẽ càng cao và cùng với đó là an ninh trên biển sẽ xuất hiện yếu tố bất ổn tiềm tàng mới.