>> Thanh niên cần được tiếp cận cơ hội phát triển
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, thường trực Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người từng tham gia 6 kỳ Đại hội Đảng (từ Đại hội V đến Đại hội X) chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, nhân Đại hội (ĐH) Đảng toàn quốc lần thứ XI khai mạc sáng nay, trong không khí mùa xuân mới, niềm hy vọng mới….
Nhìn nhận, đánh giá đúng
Qua kinh nghiệm là đại biểu chính thức dự 6 kỳ ĐH Đảng, theo ông, điều cốt yếu tạo nên thành công của một ĐH Đảng là gì?
Vấn đề quan trọng nhất của một kỳ ĐH là đánh giá cho đúng nhiệm kỳ ĐH vừa qua đã đạt được gì và những gì còn khuyết điểm, để từ đó hoàn chỉnh Văn kiện, cương lĩnh. Chỉ khi đánh giá đúng bản chất những ưu, khuyết điểm thì mới tổng kết, rút kinh nghiệm cho khóa tới được.
Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng nữa là phải bổ sung và bầu các đồng chí vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Từ đó chọn ra các đồng chí lãnh đạo của đất nước. Làm sao, khi Đại hội bế mạc, Đảng vui, người dân vui.
Nhìn lại mười kỳ ĐH Đảng trước đây, thì ở mỗi kỳ ĐH Đảng đều đưa ra những đường lối đổi mới hoặc những nội dung mang tính chiến lược, đột phá cho mỗi một giai đoạn của đất nước, thưa ông?
Đúng vậy. Như ĐH V, Đảng tập trung quan tâm đến tình hình khó khăn về kinh tế của đất nước. Đại hội VI thì thực hiện đổi mới, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng nền kinh tế thị trường... ĐH VII khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn.
Thành công của ĐH VII là dù hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ nhưng Việt Nam không chỉ đứng vững mà còn phát triển, đi lên. Điều đó khẳng định cương lĩnh chính trị 1991 mà Đảng xây dựng là đúng đắn, đây cũng là ĐH khẳng định vai trò làm chủ của nhân dân, với việc Đảng có quyết nghị về xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở.
Đến ĐH VIII, Đảng quyết nghị đẩy mạnh thực hiện xây dựng chỉnh đốn Đảng. Đây cũng là ĐH diễn ra trong bối cảnh đất nước trải qua 10 năm đổi mới, có nhiều thành tựu, thắng lợi. Đây cũng là ĐH đánh dấu mốc Việt Nam ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội và khẳng định có điều kiện bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phải đẩy mạnh để bắt nhịp đà hội nhập, phát triển của các nước trên thế giới.
ĐH IX là Đại hội có nhiều khẳng định việc làm, tổng kết của khóa trước và khẳng định mốc phát triển 2010 phải ra khỏi tình trạng nước nghèo và 2020 trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
ĐH IX cũng là ĐH có nhiều nét mới trong quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phát huy dân chủ cao hơn. Đến ĐH X, Đảng tiếp tục khẳng định những thành tựu của đổi mới và đặt ra mục tiêu đến năm 2010, Việt Nam phải thoát khỏi nước nghèo và chuẩn bị tích cực cho xây dựng một đất nước công nghiệp vào năm 2020.
Như vậy, mỗi kỳ ĐH đều đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Nhìn lại, ông thấy việc thực hiện những mục tiêu ấy có được như kỳ vọng?
Đánh giá kết quả thì tại các kỳ ĐH, các văn kiện đều đã có đánh giá rồi. Nói chung, đều đạt những kết quả tốt, những yêu cầu đặt ra đều cơ bản hoàn thành, đi đúng hướng. Rõ ràng đánh giá mình đã giành được những thắng lợi với ý nghĩa lớn.
Ở Đại hội này chắc chắn sẽ có những đòi hỏi, yêu cầu mới vì nhiều đồng chí lãnh đạo cũ sẽ nghỉ hưu, các đồng chí mới vào thì phải làm sao cho xứng tầm. Cũng mong các thế hệ sau hơn thế hệ trước. Đây cũng là một cái mới.
Chọn người tài
Nếu được lựa chọn, cá nhân ông chọn cái gì làm điểm đột phá, trong kỳ ĐH XI này?
Mỗi người có một suy nghĩ. Tôi quan tâm đến hai vấn đề mà Đảng đã nêu và phải làm thật mạnh. Đó là vấn đề xây dựng Đảng, lựa chọn những cán bộ tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương, rồi tham gia vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chuẩn bị nhân sự cho bầu cử Quốc hội tới. Cái đó tôi rất quan tâm. ĐH có thể có những bổ sung nhưng tôi chắc không có gì lớn.
Cái cuối cùng là làm thế nào để xây dựng được cơ quan lãnh đạo của Đảng có đủ uy tín để dân tin, dân theo. Một ban lãnh đạo đủ sức gánh vác công việc ngày càng có những cái mới với những khó khăn mới nảy sinh của đất nước. Đất nước rất cần một đội ngũ có đức, có tài, dám đổi mới, nhưng vẫn giữ vững được định hướng XHCN, ổn định phát triển.
Làm thế nào để các đại biểu lựa chọn được người có đức, tài, dám đổi mới như ông nói?
Theo kinh nghiệm của tôi, muốn làm được điều đó, xuất phát từ ý thức trách nhiệm cao của các đại biểu. Trên cơ sở đánh giá khách quan, bám sát vào tiêu chuẩn cán bộ mà Trung ương đã đặt ra. Nếu không căn cứ vào tiêu chuẩn đó mà nặng về cơ cấu thì chắc chắn sẽ không thể tốt được.
Không nên vì vấn đề cơ cấu mà lựa chọn những cán bộ tham gia 5 năm trời nhưng đóng góp cho Đảng rất hạn chế, mờ nhạt, tinh thần trách nhiệm không rõ. Không nhất thiết cứ phải Bộ trưởng hay Bí thư Tỉnh ủy là ủy viên Trung ương. Vấn đề là chọn những đồng chí thật xứng đáng. Muốn vậy, phương pháp cũng phải rất dân chủ, dân chủ trong tập thể.
Lâu nay vẫn có tâm lý ai được Trung ương khóa cũ giới thiệu thì cơ bản có được sự tín nhiệm cao. Như vậy, danh sách giới thiệu của Trung ương có ảnh hưởng đến lá phiếu của các đại biểu?
Đương nhiên là các đại biểu phải tin tưởng ở Ban Chấp hành Trung ương. Tuy nhiên, theo tôi để việc lựa chọn nhân sự của các đại biểu không bị ảnh hưởng, thì khi vào phần bầu nhân sự, Trung ương không nên đưa danh sách giới thiệu ra trước, mà nên đưa sau khi các đại biểu và các đoàn đã có giới thiệu.
Hồi tôi làm Bí thư Hà Nội hai khóa. Khi bầu cử, tôi đều đề nghị tất cả các đoàn giới thiệu ứng cử viên trước, để từ đó hình thành danh sách. Sau đó mới công bố danh sách ứng cử viên do Ban chấp hành khóa cũ giới thiệu.
Kỳ vọng
Thưa ông, hiện công tác chuẩn bị cho ĐH đã hoàn tất. Theo kinh nghiệm của ông, có khi nào, tại ĐH có những nội dung đột biến, nằm ngoài nội dung dự thảo các văn kiện, xuất phát từ trí tuệ của các đại biểu?
Cái tiêu biểu nhất, rõ nhất là tại Đại hội VI. Đây là Đại hội có quá trình chuẩn bị không đạt yêu cầu nhưng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư lắng nghe được những đóng góp của tất cả các địa phương, qua đó thấy sự chuẩn bị chưa đúng tầm và chưa có sức đổi mới.
Lúc đó đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư, có chỉ đạo chuẩn bị lại cho thật kỹ lưỡng. Từ đó, ĐH đã tập hợp được những ý kiến dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất định phải đổi mới, phải bỏ bao cấp, quan liêu.
Nên ở đây, vai trò người đứng đầu quan trọng lắm. Nếu 5 năm trời có quyết tâm, ý thức đổi mới, có trí tuệ thì 5 năm làm được nhiều việc lắm. Tất nhiên khuyết điểm bao giờ cũng có. Nhưng cũng 5 năm ấy mà cách làm việc không rõ gì cả, không mang lại sự đổi thay rõ ràng của đất nước và không có một ý thức chuẩn bị tốt cho đội ngũ lãnh đạo kế cận thì rất tiếc. Đại hội này tôi rất mong các đồng chí đại biểu phải suy nghĩ nhân sự cho cả Đại hội sau.
Ông kỳ vọng gì ở Đại hội Đảng lần này?
Tôi tin với truyền thống của Đảng, nhất định chúng ta sẽ đưa ra được những định hướng tốt cho phát triển đất nước trong chiến lược 5 năm, 10 năm tới. Tôi tin anh em sẽ làm tốt.
Hiện nay phải thừa nhận tình hình mới đòi hỏi nhân sự phải có trí tuệ, sự sáng suốt, công tâm, quyết tâm xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng duy nhất lãnh đạo đất nước đủ tầm trí tuệ, đạo đức và xứng đáng với lòng tin của dân.
Cảm ơn ông.
Bá Kiên - Phạm Tuyên