Mua tạm trữ chậm, giá lúa thấp

TP - Tiến độ mua lúa tạm trữ ở ĐBSCL khá chậm trong khi giá lúa vẫn thấp và nông dân khó bán. Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho hay, các doanh nghiệp mới mua được hơn 33.100 tấn gạo quy từ lúa, chiếm 24,18% chỉ tiêu Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân bổ là 137.000 tấn.
Gia đình bà Nga (thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đang vác lúa đi phơi. ẢNH; HOÀ HỘI

Ở tỉnh Đồng Tháp, Sở Công Thương cho biết, các doanh nghiệp mới mua được trên 56.000 tấn gạo quy từ lúa, chỉ hơn 32% trong chỉ tiêu 174.000 tấn gạo.

Phó GĐ Sở Công Thương Phan Kim Sa cho rằng, do xuất khẩu khó khăn và VFA không phối hợp với địa phương trong phân bổ chỉ tiêu tạm trữ nên doanh nghiệp được phân bổ thiếu hợp lý, làm cho tiến độ mua tạm trữ chậm, giá không ổn định.

Ở ấp Long Hòa A2, xã Long Thạnh (Phụng Hiệp, Hậu Giang), ông Lương Văn Tám thu hoạch 4 ha lúa IR50404, năng suất 7 tấn/ha, cho biết giá lúa tươi tại ruộng chỉ 4.200 đồng/kg, không có lãi.

“Tôi trồng 10 cây mít quanh nhà, bán một năm trên 5 triệu đồng, lời hơn làm 4 ha lúa”, ông Tám nói. Cùng xã có ông Lương Hoàng Dũng, làm 2 ha giống OM576 (lúa Hàm Châu), cho biết lãi khoảng 15%, nên thu hoạch xong sẽ lên vườn 1 ha để trồng cam sành.

Phó Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, ông Nguyễn Thanh Sáng, cho biết xã có 1.000 ha lúa, đã thu hoạch được 200 ha, khi rộ thu hoạch thì giá lúa IR50404 giảm còn 4.100 – 4.200 đồng/kg, nông dân không có lãi.

Ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang), bà Nguyễn Thị Nga ở ấp Long An, thị trấn Cái Tắc, thu hoạch 0,7 ha lúa OM576, năng suất 5 tấn/ha, cho biết tuốt ra không ai hỏi nên phơi khô để năn nỉ thương lái mua giá 5.200 đồng/kg.

Bà Nga ngậm ngùi: “Máy gặt xong đòi tiền liền nên giá thấp cũng phải bán để trả, rồi còn tiền phân bón, nhân công không thể nợ lâu. Giá bán cứ như thế này chỉ có nước bỏ ruộng”.