Thiếu tướng Đoàn Duy Khương:

Mua áo phục vụ PCCC nhưng cỡ nước ngoài, mặc vào rộng lùng thùng

TPO - Phát biểu tại giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận huyện, thị xã Quý II/2018, nhiều đại biểu tập trung phân tích những yếu kém và đề xuất nhiều giải pháp về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn.
Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Đoàn Duy Khương

Theo Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Đoàn Duy Khương, tình hình cháy nổ trên địa bàn tiềm ẩn hết sức nguy hiểm. “Tôi dùng từ nguy hiểm chứ không phải phức tạp nữa”, ông Khương nói.

Theo ông Khương, qua kiểm tra của Bộ Công an, của cảnh sát PCCC, của công an thành phố, với những địa bàn trọng điểm, nếu xảy ra sự cố cháy nổ, nếu lực lượng tại chỗ không được triển khai nhanh, lực lượng chuyên trách của Hà Nội không đủ sức để kịp đến dập các đám cháy này.

Ông Khương ví dụ về vụ việc cháy quán karaoke ở 68 Trần Thái Tông, dù rất mong muốn nhưng rất khó tiếp cận với bên trong ngôi nhà. “Với trình độ, năng lực như hiện nay, việc xông vào dập đám cháy thì rất khó khăn. Chỉ chống cháy lan, phun cho nguội sau đó vào khám nghiệm thôi”, ông Khương nói.

Ông Khương cũng thông tin, lực lượng PCCC được trang bị áo chống nóng nhưng rất nặng. Nguyên nhân là do mua áo cỡ của người nước ngoài, mặc áo rộng lùng thùng, nặng, cầu thang lại nhỏ nên không thể di chuyển được.

Giám đốc Công an thành phố cũng cho biết, dù lực lượng chức năng đã tuyên truyền rất nhiều nhưng nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân chuyển biến chưa đáp ứng được nhu cầu, còn tâm lý coi thường, khinh thường. Ông Khương nêu, chính những trụ sở cơ quan nhà nước, cơ quan thành phố phải gương mẫu, đi đầu, làm gương.

“HĐND thành phố kỳ trước đã thông qua Nghị quyết về PCCC, cứu hộ, cứu nạn, đã có chủ trương cắt điện, cắt nước với các trường hợp vi phạm PCCC. Vậy đã làm được thế chưa. Nếu không có giải pháp cứng rắn, không giải quyết dứt khoát thì thảm họa PCCC là nhãn tiền”, ông Khương nêu.

Ông Khương đề nghị thành phố có những giải pháp cụ thể để hỗ trợ lực lượng PCCC thành phố hoạt động tốt hơn, đồng thời, phải nâng cao chất lượng đội ngũ PCCC từ cơ sở. “Lực lượng cơ sở rất yếu. Để bình chữa cháy ở đó. Tôi bảo thử sử dụng thì lóng ngóng. Mất rất nhiều thời gian. Lúc mở được thì cháy hết rồi”, ông Khương nói thêm.

Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết, tình hình cháy nổ còn diễn biến phức tạp.

Theo ông Nam, ý thức chấp hành quy định của những người đứng đầu doanh nghiệp, kinh doanh chưa tốt, coi công tác này không phải nhiệm vụ của mình, thậm chí còn né tránh. “Chúng tôi đi kiểm tra chung cư, nhiều nơi chưa nghiệm thu đã đưa dân vào ở. Các cơ sở kinh doanh chỉ vì lợi nhuận mà không đầu tư các trang thiết bị về PCCC”, ông Nam nói.

Ông Nam cũng chỉ ra, nhiều nơi chính quyền chưa thực sự quyết tâm, chưa thể hiện hết trách nhiệm, lực lượng công an, chính quyền các cấp chưa vào cuộc quyết liệt.

“Chúng ta nói nhiều rồi. Như vụ cháy quán karaoke ở Cầu Giấy. Kiểm điểm thế này thế kia rồi đâu lại vào đấy. Hiện nay, karaoke vẫn sáng choang, biển hiệu vẫn to, vẫn sáng. Giải pháp có hết rồi, nhưng không làm. Lực lượng công an biết hết, nhưng có làm hay không? Biết sai phạm, biết là kinh doanh có điều kiện nhưng điều kiện không đảm bảo. Thậm chí, chỉ lập biên bản thu tiền là chính, còn khắc phục thì không làm”, ông Nam thẳng thắn.

Ông Nam cũng nhấn mạnh việc phối hợp giữa cảnh sát PCCC với công an và chính quyền không tốt. Ông Nam dẫn chứng, lực lượng cảnh sát PCCC đã kiểm tra hơn 1247 cơ sở kinh doanh karaoke, có hơn 800 biên bản vi phạm. Hỏi đã chuyển cho công an thu hồi giấy phép chưa thì chưa làm. “Thế thì làm sao mà làm được. Sự phối hợp chưa đến nơi đến chốn”, ông Nam nêu.

Ông Nam cũng cho rằng, kỹ năng, nghiệp vụ chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn của thành phố còn chưa tốt. Chủ yếu mới là chống cháy lan chứ không chữa được. Nếu không khéo thì khó cứu được người. “Vì vậy, phải đầu tư thêm về phương tiện, để giảm thiểu thiệt hại về người, về của”, ông Nam nói.