Sau thời gian thu hoạch lúa vụ xuân, rơm rạ sẽ được chất đầy thành đống trên những cánh đồng, đầu làng ngõ xóm tại các làng quê ven Hà Nội. Thay vì rơm được lấy cho trâu bò ăn, nhiều người nông dân đem ra những cánh đồng không để đốt.
Ghi nhận tại các cánh đồng dọc cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, đoạn qua địa phận huyện Thường Tín (Hà Nội), cứ vào buổi chiều xuống là có người mang rơm rạ thừa ra cánh đồng không để đốt. Cột khói mù mịt cao ngút ngàn, tràn ra đường cao tốc ảnh hưởng đến tầm nhìn của những người tham gia giao thông qua đây.
Anh Q. (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết do gia đình không có nhu cầu đến rơm rạ nên phơi khô và cho đốt ngay tại cánh đồng. "Ở đây ai cũng đốt như vậy, tôi làm theo mọi người thôi, ở làng cũng ít người nuôi trâu, bò, toàn dùng máy cày nên đốt đi là nhanh nhất còn cày vụ mới", anh Q. chia sẻ.
Vào thời gian sau thu hoạch lúa vụ xuân, cứ mỗi buổi chiều về, những cánh đồng bên cạnh những đường quốc lộ, cao tốc lại nghi ngút khói do người dân mang rơm rạ ra đốt.
Nhiều nông dân khi thu hoạch lúa xuân sẽ lấy rơm về cho trâu bò ăn hoặc đem bán, song không ít người để lại giữa ruộng cho khô rồi đốt.
Đốt rơm ngay quốc lộ, cao tốc khiến các phương tiện tham gia giao thông qua đây bị ảnh hưởng về tầm nhìn.
Việc đốt rơm rạ không những ảnh hưởng đến môi trường mà còn rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Người dân thường gom rơm chất lại thành từng đống cao, sau đó đốt vào lúc gần trưa hoặc chiều muộn.
Rơm được đốt tại nhiều vị trí trên các khoảnh ruộng.
Lửa rơm bén rất nhanh, sau đó cháy âm ỉ trong nhiều giờ mới tắt hẳn.
Rơm sau khi cháy hết hóa thành mùn, người dân thường để giữa ruộng, vài tuần sau cho máy cày xới tơi đất cùng với mùn để cấy vụ mới.