Phát biểu tại buổi gặp mặt các nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực ngân hàng chiều 29/4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mozambique Ernesto Gouveia Gove bày tỏ mong muốn mời các ngân hàng thương mại của Việt Nam đầu tư vào đất nước thuộc châu Phi này.
Theo ông, ngân hàng là ngành có cơ hội đầu tư đặc biệt tại Mozambique vì mạng lưới nhà băng tại quốc gia này chưa bao phủ khắp các địa phương. "Chỉ có 3,1 triệu tài khoản ngân hàng trên 22 triệu dân, số lượng giao dịch sử dụng thẻ thanh toán còn thấp, ở mức độ dưới trung bình tại châu Phi", ông cho biết.
Ngoài ra, năng lượng cũng là một ngành nhiều tiềm năng được nhắc tới, bên cạnh nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn rất lớn. Để thu hút được các doanh nghiệp ngoại và vốn đầu tư nước ngoài để nâng cấp hạ tầng, sự có mặt của lĩnh vực ngân hàng là điều thiết yếu.
"Hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng rất nhanh, đồng nghĩa Mozambique cần cung cấp thêm dịch vụ tài chính ngân hàng", Thống đốc Ernesto chia sẻ.
Ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Viettel, đơn vị đang đầu tư viễn thông tại Mozambique đánh giá đây là một trong những thị trường rất tiềm năng ở châu Phi, còn nhiều cơ hội. Cùng với đó, chính phủ Mozambique có nhiều chính sách hỗ trợ, kinh tế phát triển ổn định nên hứa hẹn sự bùng nổ trong các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, sau thời gian dài tham gia, Viettel cũng nhận thấy cơ sở hạ tầng vật chất còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư là một rào cản đối với Mozambique. "Viettel đã phải tăng chi phí đầu tư, vận hành khai thác. Chúng tôi khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, trong khi lãi suất lại cao nên ảnh hưởng một phần đến kết quả kinh doanh", lãnh đạo tập đoàn nói.
Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội, bà Nguyễn Thị An Bình - Phó tổng giám đốc cũng xem Mozambique có môi trường kinh doanh tốt, ngày càng được đầu tư, cải thiện, là cửa ngõ quan trọng của khu vực Đông Nam Phi. Tuy nhiên, bà cho rằng ngân hàng sang Mozambique sẽ gặp phải thách thức lớn. "Thị trường có 80% nằm trong tay 4 ngân hàng lớn. Vì vậy nhà băng Việt sang Mozambique sẽ phải cạnh tranh với 14 đơn vị cùng ngành để chia sẻ 20% thị phần", bà nói.
"Tuy nhiên, cũng không phủ nhận đây là thị trường tiềm năng với nhiều cơ hội đầu tư. Sắp tới, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vào Mozambique, ngân hàng cũng nên xem xét vào", bà Bình nhận định.