Những dấu hỏi ở Thổ Châu
Quần đảo Thổ Châu (còn gọi là Thổ Chu) có 8 hòn đảo lớn nhỏ, nằm cách TP Rạch Giá khoảng 200 km, cách mũi Cà Mau 160 km, diện tích 1.395 ha. Hòn Nhạn được chọn là điểm chuẩn A1 của đường cơ sở để xác định lãnh hải Việt Nam. Thời Pháp thuộc, Thổ Châu có tên là Poulo Pangjiang.
Ngày 10-5-1975, Khmer đỏ tấn công chiếm đảo Thổ Châu. Do nằm xa đất liền nên liên lạc bị gián đoạn. Một số người dân sau khi thấy hòn đảo của mình bị chiếm đóng đã lén lấy tàu chạy ngày đêm vào đất liền cấp báo.
Rạng sáng ngày 24-5-1975, Đoàn 125 Bộ tư lệnh Hải quân, bộ đội chủ lực Quân khu 9 và bộ đội địa phương đổ bộ lên đảo Thổ Châu, và 16 giờ chiều cùng ngày đã bắt sống, xóa sổ một tiểu đoàn Khmer đỏ, giải phóng hoàn toàn đảo Thổ Châu. Khi lực lượng vũ trang lên đảo, nơi đây không còn bóng dáng một người dân nào. Hoang tàn, vườn không nhà trống. Khoảng 500 người trên đảo đã bị Khmer đỏ ép đưa xuống tàu chở đi mất tích.
Việc người dân bị sát hại ở đâu, như thế nào, đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. Ngay cả một gia đình được cho là thoát chết khỏi bàn tay diệt chủng của Khmer đỏ vào thời điểm đó giờ cũng biệt tăm. Đó là gia đình ông Nguyễn Văn Sỹ (Tư Sỹ), được một người lính Khmer bố trí chạy thoát.
Những ngôi nhà xưa của người dân trên đảo cũng không còn. Một số tư liệu viết rằng dân chúng trên đảo bị cưỡng bức xuống tàu chở về hướng Campuchia vào ban đêm. Nhân chứng lịch sử trên đảo còn lại bây giờ chỉ là những cây dừa cao vút khoảng 40 năm tuổi hay dấu tích đền thờ miếu Bà, lăng Ông.
Quân và dân trên đảo Thổ Châu lấy ngày 24-5 làm ngày giải phóng đảo và cũng là ngày giỗ của những người lính và người dân bị sát hại. Bia tưởng niệm các liệt sỹ và 500 người dân bị Khmer đỏ sát hại mới đây được khởi công xây dựng.
Thiếu tá Hoàng Văn Chung, Phó chỉ huy quân sự đảo Thổ Châu, cho biết: Những năm đầu mới giải phóng, mọi hoạt động trên đảo do quân đội quản lý, điều hành. Tuy nhiên, sau này khi thành lập chính quyền, các hoạt động trên xã vẫn có sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ. Ngày Tết, người dân vào các đơn vị bộ đội đóng quân để giúp gói bánh chưng, nấu món ăn cổ truyền.
Hồi sinh
Cảng Thổ Châu ngày cận Tết nhộn nhịp. Buôn bán trên bến, dưới thuyền tấp nập. Các loại hàng hóa tiêu dùng ở đất liền có sao trên đảo có vậy. Các dịch vụ vui chơi giải trí cũng khá đầy đủ.
Chị Nguyễn Thảo Nghi bán tạp hóa lưu động ở cảng biển Thổ Châu cho biết: Mùa trăng, ghe thuyền về nhiều, mỗi ngày chị bán được khoảng 20 triệu đồng, còn bình thường cũng 3-5 triệu đồng.
Trong khi đó, ông Dương Tấn Tài (Ba Tài), trùm thu mua hải sản trên đảo Thổ Châu 15 năm qua tỏ vẻ phấn khởi: “Bình quân một tháng tôi mua khoảng 1.000 tấn hải sản các loại. Tuy nhiên, nuôi cá bóp lồng bè mới mang lại siêu lợi nhuận. Sau khi trừ chi phí còn lãi đến 60%. Hiện tôi có ba bè nuôi cá trên biển, mỗi bè đầu tư 80 triệu đồng. Tết nay xuất 1.800 con cá bóp loại từ 10kg/con trở lên, tính sơ sơ cứ mỗi ký một trăm ngàn thì tôi có 1,8 tỷ”. Hiện trên đảo có 12 hộ nuôi cá bóp lồng bè.
Chủ tịch UBND xã Thổ Châu, ông Trần Hoàng Nghiệm, cho biết: Năm 1992, Nhà nước đưa 10 hộ dân ra đảo với cơ chế bao cấp. Nay trên xã có 474 hộ với 1.715 khẩu, trong đó hộ khá chiếm trên 60%, chỉ có 35 hộ nghèo. Nhiều hộ ra đảo với hai bàn tay trắng nay trở nên giàu có.
Hộ ông Ba Tài bỏ ra nhiều tỷ đồng để làm từ thiện, trong đó có hơn một tỷ đồng xây đền thờ miếu Bà, lăng Ông phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân. Trạm Y tế đang được xây dựng lại toàn bộ chuẩn bị đưa vào sử dụng, có 2 bác sĩ, 1 y sĩ, 1 điều đưỡng, 1 nữ hộ sinh và 1 dược sĩ trung học.
Trạm có phòng mổ, siêu âm và sắp tới đầu tư X-quang, xét nghiệm. Bác sỹ sẽ được tăng cường. Đã xây dựng được hệ thống đào tạo từ lớp mầm non đến hết bậc THCS.
Tàu đò chạy từ Phú Quốc ra đảo mất từ 7-10 tiếng, và phải 5 ngày mới có một chuyến. Nước sinh hoạt vào mùa khô cũng nan giải. Nhiều chiến sỹ phải đi gần cả tiếng từ những điểm cao xuống chân núi mới có nước tắm.
Thượng tá Nguyễn Văn Hoàn, Chính trị viên Đồn biên phòng Thổ Châu, nói: An ninh, chính trị trên đảo tuyệt đối ổn định, tuy nhiên trật tự an toàn xã hội trên đảo tương đối phức tạp. Những ngày biển động, hàng ngàn ngư phủ từ các tàu vào neo đậu tránh bão, tràn lên bờ tụ tập ăn nhậu, rồi xảy ra đánh nhau vì những mâu thuẫn nhỏ. Có những tội phạm từ đất liền cũng trốn chạy ra đảo.
Mơ thăm lăng Bác
Thương binh 4/4 Trần Minh Thiện cùng vợ và 5 con từ An Biên (Kiên Giang) ra đảo Thổ Châu năm 1993, khi đảo mới có 20 hộ dân. Con cái đi biển, còn ông làm nghề mộc. Vợ ông từng là vợ của một liệt sỹ thời chống Mỹ. Ông Thiện được tặng thưởng: Huân chương chiến công hạng ba, Huân chương kháng chiến hạng nhì.
81 tuổi, là người cao tuổi nhất trên đảo, nhưng hằng ngày ông vẫn đạp xe đi lấy cơm thừa, canh cặn từ các quán ăn về cùng vợ nuôi heo, nuôi gà, vịt. Ông nói: “Đời tôi đi làm cách mạng chỉ ước hai điều, một là thống nhất đất nước, hai là được gặp Bác Hồ. Đất nước thống nhất nhưng Bác Hồ không còn nữa.
Bây giờ chỉ mơ được đi thăm lăng Bác. Ước mơ này không chỉ riêng tôi”. Có sáu hộ gia đình chính sách trên đảo có chung mơ ước này. Bây giờ chỉ còn năm hộ. Ông Lê Trắc, Bí thư chi bộ đầu tiên trên đảo, vừa qua đời. Trước đây, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa ra đảo Thổ Châu chúng tôi đã kiến nghị cho các gia đình chính sách trên đảo được ra thăm lăng Bác Hồ.
Bà Hoa ngay lúc đó đã có ý kiến chỉ đạo cho lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, và nói: Tỉnh Kiên Giang sớm giải quyết mong muốn cho các cụ, đi sớm chứ các cụ nhiều tuổi rồi…”. Ông Thiện im lặng một lát rồi ngậm ngùi: “Tôi 81 tuổi rồi, mong sao được ra thăm lăng Bác một lần cho toại nguyện”.
Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân vừa tổ chức thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên các hòn đảo Tây Nam. Chuyến đi kéo dài sáu ngày với hải trình hơn 300 hải lý tới những hòn đảo tận cùng phía tây nam của Tổ quốc, bắt đầu từ đảo Phú Quốc tới quần đảo Thổ Châu, hòn Khoai, hòn Chuối…