Ông quyết định mua một cái xe máy. Hồi đó, sau năm 1975, xe máy đang là mốt thượng lưu, thể hiện đẳng cấp! Nhất định phải có cái xe máy mới được coi là phong lưu. Khi đưa ra bàn bạc nên mua loại xe nào, bố tôi “chỉ đạo” phải là xe của các nước xã hội chủ nghĩa.
Đáp ứng được yêu cầu đó chỉ có vài loại xe nhưng chúng đều hoặc quá đắt, hoặc quá cồng kềnh. Suy đi tính lại thì Babetta là cái xe vừa túi tiền nhất. Những đời đầu nó đích thị là chiếc xe đạp máy, không có giảm xóc sau, chạy vè vè và nhảy câng câng như con cào cào.
Qua bạn bè của anh rể, chúng tôi biết có một ông trung tá bên Gia Lâm muốn bán. Ông được mua theo giá phân phối là 850 đồng, chạy được mấy năm, còn mới ngoại trừ một miếng sơn bằng bao diêm bị tróc do có lần ông buộc vào ô tô khi vận chuyển. Mặc cả mãi cuối cùng ông trung tá đồng ý bán với giá 1.650 đồng.
Một chiếc xe Honda 67, rất hầm hố, chạy tàn đời người cũng khó hỏng, mang từ miền Nam ra tại thời điểm ấy khoảng 2.000 đồng. Nhưng bố tôi quyết không thèm dùng đồ tư bản! Mẹ tôi phải bán gần 6 tấn thóc tích cóp được trong ngót chục năm để gom đủ số tiền mua con cào cào.
Anh rể tôi điều hẳn một chuyến xe tải cùng mấy anh bạn vượt qua quãng đường 40 km chở về cho bố tôi. Đi đứt hai cái chăn dạ để bọc phòng bị xây sát. Cả nhà tôi tổ chức liên hoan tưng bừng. Làng xóm ngó nghiêng, xuýt xoa khen và chúc mừng, có cả dè bỉu ghen tị...
Riêng tôi thì suốt ngày hôm ấy không thiết gì ăn uống, chỉ quanh quẩn bên chiếc xe, thỉnh thoảng lại trèo lên cong mông guồng cho nó nổ khiến bố tôi liên tục phải quát vọng ra: “Khéo nó chồm lên thì chết bỏ cha mày!”.
Hôm sau chờ cho mọi người bớt chú ý, bố tôi bắt đầu làm một chuyến xuất hành đầu tiên trong đời mình bằng xe máy. Ông diện bộ complé may từ lâu và chỉ dùng mỗi dịp trọng đại. Tôi biết là ông sẽ đến thăm mấy người bạn chiến đấu cũ, ngầm có ý khoe mình chơi sang.
Tôi ra đón ngõ, mặt mày hớn hở, đầy tự hào. Oách nhất là nhà tôi có xe máy đầu tiên trong làng. Bố tôi dựng chân chống, trèo lên, kéo le, guồng dứt khoát, nhả le, mớm ga... ông thực hiện nghiêm túc các bước khởi động mà anh rể tôi giảng cho. Sau đó ông bóp phanh sau, thả chân chống và vè vè...vút!
Bố tôi đi từ chiều, cho đến tối mịt chưa thấy về. Khi trời nhá nhem là lúc tôi liên tục ngóng về phía đầu làng, bất cứ có chút ánh sáng le lói nào tôi lại bảo với mẹ tôi: “Chắc bố đang về đấy. Mẹ có tin đèn xe máy soi thấy cả cái kim trên đường không?”. Mẹ tôi ừ ào cho qua, làm cái gì cũng đổ vỡ lung tung.
Tôi biết mẹ còn nóng ruột hơn tôi. Lần đầu bố đi xe máy, biết bao là trắc trở trên đường. Cuối cùng, khi đã tối mịt không thấy bố về, anh em tôi và mẹ quyết định đi tìm bố. Chúng tôi, tay gậy, tay mác cầm đèn pin đi ngược đường liên thôn sang xã.
Gió thổi ù ù. Hai bên đường những cây nhãn khiến cảnh vật càng âm u, đáng sợ. Giả sử có thằng cướp nào đó bất ngờ từ dưới bờ mương xông lên thì mẹ con tôi chỉ còn cách để yên cho nó muốn lấy gì thì lấy. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp một người kẽo kẹt đạp xe ngược lại, âm thầm như con vạc đi kiếm ăn đêm. Ếch nhái kêu râm ran.
Mãi khi tới gần giữa cánh đồng nối làng tôi với làng bên, chúng tôi nghe thấy có tiếng người vừa đẩy cái gì đó vừa thở vừa lầu bầu. Đến gần thì mới biết chính là bố tôi, áo ướt đẫm, mặt mũi hốc hác cùng với chiếc xe giờ đúng là nặng như cái cùm, hoàn toàn câm lặng.
Loại xe Babetta có chức năng đạp như xe đạp mỗi khi hết xăng hay hỏng hóc. Nhưng chả hiểu sao bố tôi lại chấp nhận đẩy. Tôi đỡ lấy chiếc ghi-đông để giải phóng cho bố.
Trong đời tôi ít thấy khi nào bố tôi bợt bạt sắc mặt như buổi tối hôm ấy. Ông lặng lẽ lau mồ hôi, lặng lẽ đưa xe cho tôi như kiểu muốn mang nó đi đâu thì đi. Khoảng nửa đêm thì chúng tôi cũng giúp nhau đẩy được chiếc xe câm như thóc về nhà.
Hôm sau bố và tôi đưa xe vào một cửa hiệu sửa xe không chuyên, chỗ người quen. Ông chủ cửa hiệu vốn chỉ thạo bệnh của xe đạp nhưng vẫn quyết định thử sức. Ông nhảy lên guồng rồi cười ha hả bởi phát hiện ngay ra bệnh.
Có quái gì đâu - ông bảo thế rồi cắt ba đoạn dây thép thay cho ba quả bi và mắng nhà sản xuất là ngu. Chiếc cá tự chế của ông khiến chiếc xe lại nổ giòn dã. “Bây giờ thì ông có thể đi một mạch sang nước Mỹ” - ông thợ sửa hãnh diện bảo.
Bố tôi hào phóng trả cho ông gần gấp đôi tiền công thông thường. “Ối dào - bố bảo - mình đi xe máy cơ mà, ăn tiêu nó cũng phải khác chứ”. Chỉ mất mấy đồng là bố con tôi lại vè vè lướt trên đường làng, mát đến tận gan ruột.
Sau vài hôm cầm lái đã quen quen, bố tôi quyết định đi xa một chuyến. Gọi là đi xa nhưng cũng chỉ hơn chục km. Lần này ông đi từ sáng sớm, quần áo lại đóng bộ rất hộp. Chỉ một loáng ông đã mất hút về phía đầu làng, chân co chân ruỗi trông rất kiểu trên hai cái để chân bằng pê-đan. Ông biết nhiều người thèm muốn và ghen tức nhìn theo ông.
Hôm đó cũng mãi tối mịt bố tôi mới về. Nghe tiếng xe và ánh đèn pha từ đầu làng, tôi lao vụt ra sân chờ. Vậy là đi và về trót lọt. Đến cổng bố tôi bóp le tắt máy rồi lầm lũi đẩy vào. Tôi soi đèn để bố đưa xe vào nhà. Ông dựng chân chống xong là ngồi phịch xuống mép phản, đầy vẻ chán ngán.
Bấy giờ tôi mới nhìn thấy những vết dầu máy loang trên áo và trên mặt ông. Tôi hỏi ông lý do của những vệt dầu và phải đến lần thứ ba thì ông mới nuốt trôi cục nghẹn để trả lời:
- Hỏng chứ còn sao.
- Hỏng gì ạ?
- Cứ chạy được vài cây số lại chết máy. Guồng rụng cả chân không nổ.
- Thế sao bố vẫn phóng về được?
- Nghỉ nửa tiếng lại nổ, rồi vài cây lại chết. Cứ thế tao đánh vật với nó từ sáng đến giờ. Tao căn quãng đường về làng để khỏi phải đẩy, dơ mặt.
Lạ nhỉ. Hay là xe máy nó cứ phải thế. Cứ vài cây lại phải nghỉ. Tôi nói bâng quơ như vậy thì bố tôi cười chua chát:
- Thế thì ném mẹ nó xuống ao cho đỡ vướng mắt.
Sáng hôm sau bố con tôi quyết định bí mật phóng xuống nhà bác Quần, bạn của bố tôi từ thời Pháp, nổi tiếng ăn chơi, có thâm niên sử dụng xe máy, nhờ bác xem giúp. Nhà tôi cách nhà bác Quần khoảng 15 km. Bố con tôi dự tính sẽ phải nghỉ khoảng hai lần thì tới.
Trời mưa nhỏ nên bố tôi đi chậm. Tôi ngồi sau thấp thỏm chờ xe chết máy. Nhưng không. Đến tận cổng nhà bác Quần chiếc xe vẫn ngon lành. Bác Quần sai người giết gà làm cơm. Tôi cũng được ngồi ké để nghe bác triết lý về khôn dại ở đời. Bác bảo như bố tôi là khôn. Cứ bo bo bỏm bỏm rồi thì cũng chết.
Như bác, tiền không nhiều nhưng lúc nào cũng sang. Bác bảo bố tôi mua xe là sáng suốt rồi hỏi đi có sướng hơn xe đạp vạn lần không. Bố tôi gà gật tán thưởng theo. Ý định ban đầu thành ra buồn cười. Chả ai lại đi nhờ sửa xe khi nó chả làm sao. Cơm no rượu say bố tôi xin phép bác Quần ra về.
Bác Quần nổ máy, ga ầm ỹ rồi nghe ngóng một lát, khẳng định lại là xe còn rất mới. Bố tôi tự tin cho xe nổ trong khi vẫn nói chuyện với bác Quần. Lên xe rồi bố tôi còn ngoái lại bảo bác Quần có muốn mua thì ông tìm cho một cái y như vậy, rồi mới phóng vù ra ngõ.
Tôi ngồi sau cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Hết đoạn đường đê, bố con tôi vừa rẽ vào con đường chính, là đoạn đường có thể thả ga thì chiếc xe giật lên mấy cái. Bố tôi vặn ga cuống cuồng nhưng cũng chỉ vớt vát được thêm một đoạn.
Nó lại phát bệnh y như hôm trước. Bố con tôi thay nhau guồng, vã hết cả mồ hôi, thở cả ra đằng tai… nhưng chiếc xe vẫn chỉ cứ kêu ùng ục theo chân guồng mà không nổ. Theo kinh nghiệm của bố thì ngồi chờ máy nguội là lại nổ. Và đúng như thế. Chỉ khẽ guồng là nổ ngay. Nhưng vài cây lại giật như ngựa bị cảm gió.
Rồi khự! Sau ba lần như vậy hai bố con tôi cũng về tới nhà. Mẹ tôi và hai đứa em cầm mỗi người một ngọn mác đứng chờ ở đầu làng, thấy ánh đèn và tiếng xe máy mới tin là hai bố con tôi còn sống. Trong thâm tâm mọi người nghĩ chúng tôi đã bị cướp dọc đường. Hồi đó xe máy là mục tiêu của bọn cướp dạt từ phố về. Sờ sờ vào người tôi, thấy có vẻ vẫn nguyên lành, mẹ tôi bảo:
- Thôi nhé, chả xe máy nữa thì đừng, sợ hết cả hồn.
Hôm sau tôi lại phải xuống nhà bác Quần, lần này bằng xe đạp. Bác Quần nghe tôi mô tả thì nói chắc như đóng đinh: “Chết rồi, bẩn chế hoà khí đây mà. Cứ về đi rồi bác lên”. Vì bác Quần có con “Cá xám” nên tôi chưa về đến nhà thì bác đã “phanh” xong con Babetta.
Bố tôi ngồi xổm xem bác tháo từng chi tiết của bộ chế, mặt lộ vẻ rất phục. Bác Quần vừa làm vừa mắng Tào Tháo “ngu” trong trận Xích Bích. Bố tôi bảo hồi đó mà có cái xe này thì cả vạn quân cũng tan trong nháy mắt. Rồi cả hai cụ cười hết cỡ. Mẹ tôi thì tất bật với việc làm cơm. Khoảng 2 tiếng đồng hồ, kịp cho cơm gà đã sẵn sàng thì bác Quần lắp lại y nguyên như lúc chưa tháo.
Suy đi tính lại thì Babetta là cái xe vừa túi tiền nhất. Những đời đầu nó đích thị là chiếc xe đạp máy, không có giảm xóc sau, chạy vè vè và nhảy câng câng như con cào cào.
Bác lau tay còn tôi nhảy lên guồng. Khẽ một cái là nổ. Máy rõ ràng đều tiếng hơn. Bố tôi thích lắm, cười rất mãn nguyện. Cơm xong, bác Quần lại nhà trên con cá xám cũ rích. Lúc đó cũng đã chiều tà. Tôi bảo bố để tôi thử phóng sang xã. Bố đồng ý một cách khá dễ dãi.
Tôi ra ngõ là lao vút đi. Một làn khói xanh phun ra phè phè, thật là kỳ diệu. Tôi co chân lên để thư giãn. Gần lên đến đê thì tôi thấy có hiện tượng giống như hôm qua vội cảnh giác quay về. Nhưng mà không kịp. Chiếc xe lại chết khự sau khi giật lên mấy cái làm tôi suýt mất lái.
Thấy tôi lâu về, mẹ tôi lo lắng ra đầu làng ngóng. Nhìn thấy tôi bải người ra đẩy xe, bà bèn chạy đến đẩy giúp. Bà lầu bầu bảo xe với chả pháo làm gì cho khốn nạn. Đẩy được một lúc, chừng máy đã nguội, tôi dựng chân chống trèo lên guồng thử thì máy lại nổ. Tôi bảo mẹ trèo lên xe thật nhanh để tôi đèo về. Mẹ tôi bảo bà đi bộ còn hơn.
Bố tôi bắt đầu ngán ngẩm ra mặt. Ông cứ liên tục hỏi: “Quái lạ nhỉ, xe gì có thứ xe đi vài cây lại chết máy?”. Ông hỏi hàng trăm lần. Bố tôi quyết định đưa xe đi Hà Đông, cách nhà tôi gần 20 km. Hiệu sửa chữa xe máy của nhà nước ở gần bến xe khách bây giờ.
Chúng tôi ngồi chờ đến giờ làm việc buổi chiều để làm thủ tục, mà rất nhiêu khê, mới được nhận. Bố tôi gấp tờ giấy biên nhận vào túi rồi bảo tôi đi ăn. Chiều tà chúng tôi quay lại thì ông thợ sửa bảo xe của bố tôi bị hỏng quả mô-bin, giá lúc ấy là 70 đồng nhưng không có hàng ngay mà phải chờ.
Bố tôi hỏi chờ bao lâu thì ông thợ sửa bảo một tràng: “Hai ba bốn năm sáu… ngày. Khi nào kho có hàng về thì mới lấy được”. Ông thợ sửa bảo cứ về, vài hôm nữa hãng ra. Bố tôi tỏ ra lo lắng thì ông ấy cười nhếch mép: “Nhiều cái xe phải hàng tháng ấy chứ”.
Chúng tôi bèn tìm cách nịnh ông ấy mong ông ấy quan tâm. Ông thợ bảo khi nào ra thì mua cho ông ấy quả mít. Bố tôi hứa sẽ có quả mít cho ông. Sau ba ngày hai bố con tôi ôm quả mít ra Hà Đông để thăm…xe máy! Tôi ôm quả mít vào trong xưởng, tìm gặp ông thợ hôm trước.
Ông ấy nắn quả mít, rồi ngửi, rồi cười như nghé trúng gió! Lát sau quả mít đã được phanh thành năm sáu mảnh. Mọi người rôm rả ăn uống, tấm tắc khen mít ngon. Có người đùa bảo thỉnh thoảng xe bác lại hỏng nhé.
Ăn xong mọi người mới vật chiếc xe của bố tôi ra. Họ tháo quả mô-bin cũ rồi lắp vào quả mô-bin mới. Tất cả mất độ nửa tiếng. Xong ông thợ sửa bảo nhỏ bố: “Tôi phải cho con thủ kho ba đồng nó mới ưu tiên bác đấy”.
Bố tôi hiểu ý rút ra 5 đồng. Ông thợ sửa cầm rất nhanh, đút vào túi rồi bảo tôi lên guồng thử. Máy nổ ngon lành. Tôi hỏi liệu xe có bị chết nữa không, thì ông thợ sửa bảo đến người còn chết nữa là xe. Nói rồi cười váng.
Lát sau ông ấy vỗ vai bố bảo: “Nói vui thôi, chết thế nào được nữa. Chết thì tôi bỏ nghề”. Nghe được câu ấy bố con tôi mừng lắm. Thanh toán cả thảy mất gần 100 đồng, mất toi nửa tạ thóc mà mặt bố con tôi tươi tỉnh như được của. Chả có gì phải vội với đoạn đường gần hai chục cây đi bằng xe máy, bố con tôi vè vè bát phố.
Gió mát quá. Xe lại nổ êm ro. Từ Hà Đông về đến nhà không có bất cứ sự cố nào về máy móc. Dựng xe vào góc nhà xong, bố tôi bảo mẹ chuẩn bị rượu để ông nhắm thịt chó làng Tuân.
Vừa nhắm từng miếng dồi luộc, ông vừa bảo: “Nói thế chứ đi xe máy sướng lắm bà nó ạ. Mát lịm cả người! Bố con tôi đi đến đâu có người nhìn theo đến đấy. Gớm về đến huyện mấy anh đi xe đạp thở cả ra đằng gáy chắc phải thèm lắm”.
Tùy bút của Tạ Duy Anh