Ngậm ngùi nhưng, nghĩ lại những ngày tháng đấu nhau với nhân vật quyền lực số một tổng công ty, ông vẫn còn nguyên cảm giác như đang ở trong cuộc chiến một mất, một còn.
Từ chối tiền và chức giám đốc
Trưa, tan giờ làm. Mọi người ở Tổng Cty Vật tư Nông nghiệp (TCT) chuẩn bị ăn cơm. Ông Lê Thiên Long lại vội rảo bước về khu chung cư cũ kỹ gần cơ quan. Tôi theo ông bước vào căn hộ nhỏ. Vợ ông bà Lê Thị Thu mắc bệnh nặng phải ngồi xe lăn gần chục năm nay.
Nếu không có khách, ông Long sẽ vào bếp thổi cơm, cùng ăn với vợ rồi lại tất tả đi làm. Nhìn gia cảnh ấy, tôi chẳng ngờ người đàn ông ngoài ngũ tuần này lại dám đương đầu với ông TGĐ đầy quyền uy và khiến sếp này tra tay vào còng trong một vụ án xôn xao dư luận.
Cùng công tác 14 năm trong TCT, mối quan hệ tốt đẹp của hai người có dấu hiệu xấu đi kể từ khi ông Khánh lên TGĐ và bắt đầu dính vào sai phạm. Vốn có nghiệp vụ kế toán, soi qua sổ sách TCT, ông Long phát hiện nhiều vấn đề về tài chính bất minh của vị TGĐ.
Giật mình, ông tiếp tục đột nhập vào mạng máy tính nội bộ (LAN) để thu thập thêm tài liệu. Càng điều tra, ông lại càng sốc bởi những sai phạm nghiêm trọng mà TGĐ Trần Văn Khánh là tác giả. Số tiền vị TGĐ này tiếp khách có lúc lên tới một tỷ đồng.
TGĐ Trần Văn Khánh còn công khai bán cổ phần của TCT tại cảng Đình Vũ (Hải Phòng) cho một Cty thành viên do em vợ làm giám đốc. Việc bán 20 phần trăm cổ phần phát hành tăng thêm của cảng Đình Vũ làm TCT mất hàng chục tỷ đồng tiền lãi.
Hành động ấy như giọt nước tràn ly khiến ông Long quyết định tuyên chiến với TGĐ để “đòi lại tiền cho nhà nước”. Trước khi viết đơn, người cựu binh này trăn trở rất nhiều: “Mình có thắng được không? Có ai ủng hộ mình không? Cuộc sống của gia đình sẽ ra sao nếu như mình bị trù dập, đuổi việc?”.
Trong một đêm không ngủ, ông Khánh bật máy tính và bắt đầu bằng mấy dòng “Đơn tố cáo”. Ngày 11/4/2007, lần đầu tiên, đơn tố cáo sai phạm của TGĐ Trần Văn Khánh được ông Long gửi lên Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn.
Đối với ông Khánh, ông Long giờ đây trở nên như một cái gai trong mắt. Ông Khánh đề nghị chuyển ông Long về làm giám đốc Cty Dịch vụ Nông nghiệp để cách ly khỏi TCT.
Ông Long biết kế điệu hộ ly sơn nên viện cớ vợ ốm con đau từ chối. Tiếp theo đó, hai chức Giám đốc Cty Vật tư nông sản rồi Giám đốc Cty Đầu tư Xây dựng thuộc TCT được ông Khánh đưa ra nhưng ông Long không mắc vào cái bả ấy. Ông quyết ở lại nơi tâm bão để tiếp tục cuộc đấu tranh cho dù biết mình có thể mất tất cả.
Cuối cùng, ông Long bị đày về làm chuyên viên ban kiểm soát của TCT. Khi ông Long về ban kiểm soát. Ban chỉ có đúng một chuyên viên, thiếu trưởng ban. Sau khoảng vài tháng, cả ban còn lại mình ông Long do chuyên viên cũ bị điều chuyển công tác khác.
Sau 15 ngày gửi đơn tố cáo, bộ vẫn bặt vô âm tín, ông Long buộc phải gửi hàng chục đơn thư tới nhiều cơ quan cấp trên. Ông đến ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương nhưng danh sách xếp hàng theo thứ tự còn dài, nên lại quay sang chỗ tiếp dân của Trung ương Đảng. Phải ba ngày ông mới đưa được đơn. Sau đó, tất cả vẫn chìm trong im lặng.
Biết ông đang chiến đấu với TGĐ, một số đồng nghiệp âm thầm tiếp sức, nhưng không dám lộ diện. Mọi việc giao dịch tài liệu đều diễn ra bí mật như hoạt động tình báo. Hai bên ra ám hiệu, rồi có lúc tranh thủ giờ nghỉ trưa, hẹn trao chứng cứ tham nhũng ở một địa điểm kín đáo. Có lúc hẹn giữa ngã tư, trao đổi rồi đi ngay.
Nhờ thế, bằng chứng về những sai phạm của TGĐ Trần Văn Khánh ngày càng được củng cố và dày thêm.
Một ngày gửi chuyển phát nhanh 58 đơn
Việc đưa đơn trực tiếp khó khăn, ông Long gửi đơn qua con đường chuyển phát nhanh. Ông gửi đơn nhiều đến nỗi nhân viên bưa điện quen mặt, phát cho cả bó biên lai về nhà ghi trước. Có lần, ông gửi một lúc 58 lá đơn chuyển phát nhanh.
Ông đưa tôi tập hóa đơn chuyển phát nhanh dày cộp, bảo: “ Chỉ riêng tiền chuyển phát nhanh, lương tôi cũng không đủ chi phí. Biết tôi khó khăn, một số đồng nghiệp ủng hộ”.
Một ngày nọ, TGĐ Trần Văn Khánh gọi ông Long vào phòng rút ra một cục phong bì dày bảo: “Chú cầm lấy mua cổ phiếu”. (Lúc đó, đơn vị đang có kế hoạch phát hành cổ phiếu trong nội bộ nhân viên). Ông Long thẳng thừng từ chối.
Ngay sau đó, một số người gọi điện đến tự xưng là nhà báo, công an đề nghị cung cấp tài liệu. Ông Long cảnh giác gọi điện lại kiểm tra nơi họ công tác thì được biết ở đó không có ai tên chức vụ như vậy.
Thế rồi, điện thoại cố định nhà ông liên tục nhận được những cú điện nặc danh đe dọa. Điện thoại di động cũng thường xuyên nhận được những tin nhắn sặc mùi khủng bố. Ông phải thường xuyên rút dây nguồn điện thoại cố định và thay số di động.
Hai tháng trời, cứ đi làm về, vào bếp lo bữa tối cho vợ con xong, người cựu binh lại ngồi vào máy tính gõ đến 2 -3 giờ sáng mới ngủ. Vợ đã quen với tiếng gõ bàn phím của chồng, nhiều đêm bà thức đọc tài liệu và góp ý cho ông. Ông nâng cấp máy tính, mua máy in, để cho ra đời 12 cặp tài liệu về những sai phạm của TGĐ Trần Văn Khánh. Ông in nhiều tài liệu đến mức, cậu nhân viên chuyên đổ mực máy in thốt lên: “In gì mà tốn mực thế”.
Tôi cầm một cặp tài liệu dày cộp của ông lên, giở ra và bất ngờ vì chứng cứ tham nhũng đầy đủ như của cơ quan điều tra. Có cả những tờ hóa đơn thanh toán những buổi đánh cầu lông của ông TGĐ lên tới mấy chục triệu đồng.
Gương mặt gầy nhưng quắc thước, mái tóc bạc đi nhiều sau những ngày căng thẳng. Ông bảo: “ Thời điểm ấy, ông Khánh ráo riết cổ phần hóa TCT. Nếu cổ phần hóa xong, coi như ông ta có thể phủi sạch những sai phạm của mình, biến tiền của nhà nước thành của riêng. Nên tôi lo mình muộn mất”.
Ông vẫn đều đặn đi làm ở cơ quan, về nhà là vào bếp lo nội trợ, tối lại cặm cụi bên máy vi tính. Kể từ ngày ông tố cáo TGĐ, vợ ông cứ vào giờ tan tầm lại ngồi xe lăn ra cửa ngóng chồng về. Còn ông lại ngóng ra cửa chờ xe công an tới.
Rồi ngày đó cũng đến. Ngày 30/11/2007, Cục CSĐT Tội phạm về Tham nhũng (C37), Bộ Công an, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Văn Khánh, Tổng giám đốc (TGĐ) Tổng Cty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam) về tội cố ý làm trái chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
--------------
Kỳ IV: Tôi nguyên là công dân